7 bí quyết để trở thành sinh viên xuất sắc và tốt nghiệp bằng giỏi

7 bí quyết để trở thành sinh viên xuất sắc

và tốt nghiệp bằng giỏi

Tác giả, bác sĩ: Lê Trọng Đại

Làm thế nào để tốt nghiệp loại giỏi?

Làm thế nào để vừa có điểm số cao, vừa đi làm thêm để tự lập tài chính giúp đỡ bố mẹ?

Làm thế nào có thời gian tham gia các hoạt động đội nhóm để va chạm với cuộc sống thực, để không “lơ ngơ như bò đội nón” lúc ra trường? Để khi tốt nghiệp, mình có quyền chọn vị trí việc làm, chứ không phải “ngồi tạm” vị trí nào đó?

Có lẽ đó là những mong muốn phổ biến nhất mà hầu hết các học sinh – sinh viên đều trăn trở. Và tôi tin rằng đấy là những mong muốn hoàn toàn chính đáng. Bằng trải nghiệm thực tế của mình, tôi nhận thấy CÂU TRẢ LỜI cho tất cả những câu hỏi trên chính là PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ.

  • Khi làm chủ phương pháp học hiệu quả, cùng thời gian 1 tiếng đồng hồ, tôi có thể học nhanh và tiếp thu gấp 3 – 5 lần bạn bè mình. Và chính điều đó cho tôi nhiều thời gian hơn để có thể suy ngẫm, lên kế hoạch về tương lai dài hạn của mình.
  • Khi làm chủ phương pháp học hiệu quả, tôi đã tiến tới nghiên cứu các phương pháp làm việc hiệu quả. Và chính nó đã cho tôi cơ hội đi làm thêm ngay từ năm thứ hai Đại học Y Hà Nội (Y2). Việc đi làm thêm không chỉ cho tôi một khoản thu nhập để hỗ trợ bố mẹ. Nó cho tôi những bài học còn quý giá hơn nữa. Tôi biết quý trọng từng đồng tiền mình cầm trên tay hơn. Khi chi tiền ra tôi luôn hỏi “Khoản tiền này có giúp mình làm việc hiệu quả hơn không? Hay một đi không trở lại?”.
  • Khi làm chủ phương pháp học hiệu quả, tôi đã duy trì được thành tích học tập trên lớp. Và lại có được những trải nghiệp để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ, tạo ảnh hưởng tới mọi người, xây dựng đội nhóm, kỹ năng kinh doanh … Chính nhờ những kỹ năng đó đã giúp tôi thành công nhanh hơn và vượt xa so với đa số bạn bè đồng trang lứa.

Giờ đây, tôi không chỉ làm chuyên môn tại Bệnh viện công hạng I của thành phố Hà Nội. Tôi còn làm công tác quản lý ở đó. Tôi là người đào tạo chính cho toàn thể nhân viên Bệnh viện. Tôi cũng là tác giả của ba quyển sách bán chạy. Bạn có thể tìm mua nó ngoài hiệu sách hoặc các trang thương mại điện tử (sách Dám khác biệt, dám dẫn dầu; sách Bản lĩnh; sách Sống trọn cùng đam mê). Tôi cũng thường xuyên đứng sân khấu để huấn luyện cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa về các chủ đề: Lãnh đạo, Xây dựng đội nhóm vô địch, Bán hàng và Marketing. Tôi không có ý định khoe khoang hay kể thành tích gì ở đây. Bởi tôi nhận thấy mình chẳng có thêm lợi ích gì từ việc kể ra những điều này. Tôi chỉ đang cố găng giúp bạn thực sự mường tượng được việc làm chủ phương pháp học tập đã giúp tôi đi nhanh như thế nào trong cuộc sống. Và tôi tin rằng bạn cũng sẽ làm được như vậy, thậm chí còn làm tốt hơn như vậy rất nhiều. Tại sao tôi lại dám khẳng định như vậy ư? Bởi đó là thực tế. Hàng trăm ngàn học trò của tôi đã đạt những thành tích xuất sắc hơn tôi rất nhiều ngay khi vẫn đang ngồi trên ghế giảng đường. Đó có thể chính là bạn thân của bạn đấy.

“Làm gì có chuyện đó, nếu đó là bạn thân của em thì nó đã kể cho em rồi” Bạn thắc mắc.

Tuy nhiên đó lại là sự thực đấy. Nó như một nghịch lý cuộc sống vậy. Chúng ta luôn sẵn sàng giúp đỡ những thế hệ đàn em. Luôn sẵn sàng lắng nghe những người đi trước. Nhưng lại luôn đua tranh – ganh tị – và muốn phần hơn với bạn bè đồng trang lứa. Chính bản thân tôi cũng vậy. Khi tôi quyết định mở lớp chia sẻ về cách học hiệu quả cho sinh viên y dược ở năm thứ ba đại học. Tôi đã đề ra quy tắc, chỉ nhận học trò là các em khóa dưới và anh chị khóa trên. Chứ không dạy cho bạn cùng khóa. Bởi vì tôi lo sợ họ sẽ biết những thủ thuật – bí quyết để ôn thi điểm cao và ghi nhớ nhanh của mình, và sẽ “cuỗm” mất các suất học bổng của mình. Và giờ đây, điều đó lại lặp lại với nhiều học trò của tôi. Họ cũng có nỗi sợ đó, họ muốn là người xuất sắc nhất trong khóa. Họ không chia sẻ với bạn bè. Họ không muốn mọi người biết, họ đã trở nên xuất sắc là do theo học một chương trình nào đó. Họ sợ bạn bè sẽ biết, sẽ tham dự, và sẽ giành mất thành tích của họ.

“Không sao! Đó là lựa chọn của em. Nếu điều đó giúp cho em tập trung và đạt thành tích tốt thì cứ làm như vậy”. Tôi chia sẻ với học trò của mình. Nhưng tôi tin rằng, rồi các bạn ấy sẽ phải sớm nhận ra thôi. Đó là điều tôi đã phải trả giá để nhận ra. Rằng “khi cho đi, ta sẽ được nhận lại nhiều hơn”. Và tôi biết rằng, tôi có nói thế nào chăng nữa cũng không hiệu quả bằng để cuộc sống dạy cho các bạn ấy.

Trong suốt 4 năm đầu (từ năm thứ ba cho đến năm thứ sau), tôi giữ khư khư quan điểm trên, không nhận học trò là những người cùng khóa. Bạn bè biết tôi mở lớp dạy phương pháp học, nhưng chúng chẳng biết tôi dạy cái gì, dạy như thế nào cả. Và khi ra trường, tôi nhìn lại xem mình có cái gì hơn so với bạn bè. Tôi đã ngỡ ngàng! 4 năm trời dạy chỉ vỏn vẹn gần 200 học viên. Trong ví không còn đồng nào, hệt như bạn bè tôi những người không dạy học, không làm thêm. Trong khi đó, anh Trần Đăng Khoa cũng bắt đầu cùng thời điểm như tôi. Vậy mà giờ anh ấy là triệu phú. Chính thời khắc đó, tôi đã phải tự xem lại chính mình và đưa ra một quyết định quan trọng:

“Mình phải học kinh doanh. Mình phải tổ chức lớp học như một doanh nghiệp. Nếu không thì 4 năm nữa, lại cũng hệt như bây giờ mà thôi”

Anh Thạch – bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực Bạch Mai – là người đã nhắc tôi “Những phương pháp của cậu hay như vậy, sao không quay video lại rồi bán cho mọi người, như trang Học Mãi đó. Ngoài kia có nhiều người đang gặp khó khăn trong việc học tại trường y dược lắm. Lúc còn là sinh viên, anh chỉ mong có người hướng dẫn để anh học được nhanh hơn được nhiều hơn. Trả tiền anh cũng tìm học cho bằng được. Thời gian mới là thứ đang quý nhất. Và thất bại – thử – làm lại là thứ phải hạn chế tối đa nhất”.

Và chính nhờ việc quyết định chia sẻ những phương pháp đó công khai – rộng rãi, và tổ chức lớp học của mình như một doanh nghiệp, mà giờ đây tôi có được rất nhiều thứ. Tôi có được nguồn thu nhập từ việc chia sẻ cách học hiệu quả cho sinh viên y dược (làm điều mình đam mê). Tôi có được thương hiệu – tên tuổi – vị thế trong xã hội khi đứng đào tạo cho các chủ doanh nghiệp. Và những ưu ái mà Bệnh viện, sở Y tế Hà Nội, hay các tổ chức dành cho tôi cũng đến từ việc tôi chia sẻ rộng rãi những hiểu biết của mình. Không chỉ vậy, học trò của tôi cũng đang thừa hưởng những thành quả từ việc đó. Họ có thành tích xuất sắc hơn. Có nhiều thời gian để trải nghiệm với cuộc sống thực hơn, thay vì ngày qua ngày lê đủng quần trên thư viện vì sợ thi điểm thấp. Và đặc biệt, khi đi phỏng vấn vào các bệnh viện, họ chia sẻ “Em đã từng tham dự lớp học của bác sĩ Lê Trọng Đại”. Đó là một lợi thế của các bạn ấy so với bạn bè đồng trang lứa trước những nhà tuyển dụng.

VẬY! LÀM THẾ NÀO ĐỂ THÀNH THẠO PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ?

Tôi đã từng trải qua chính xác những gì bạn đã và đang trải qua.

Những tuần đầu tiên khi mới bước chân vào trường đại học (y dược). Tôi tự nói với mình “Mình sẽ tốt nghiệp bằng giỏi. Nhất định là như vậy”. Tôi hào hứng khi nhớ về những thành thích khủng những năm cấp ba, và những điểm số cao ngất ngưỡng trong kỳ thi đại học vừa qua. “Này! Trở về mặt đất hộ cái. Tốt nghiệp loại giỏi ở trường y dược chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi em ạ. Và đó đều là con em cháu cha cả đấy” Anh chị đi trước cảnh báo. Nhưng tôi tin tưởng vào năng lực của mình. “Tại chị dốt thôi. Chị làm sao giỏi bằng em được. Rồi chị sẽ thấy”.

Đúng! Rồi chị sẽ thấy. Nhưng là thấy tôi thảm bại như thế nào. Vào giữa học kỳ hai năm thứ nhất, khi đó tôi nhận được bảng điểm học kỳ một. Nhìn chằm chằm vào nó mà máu nóng chạy rần rần khắp người. Tôi không tin vào mắt mình “Điểm số của ai vậy? Nhà trường vào điểm nhầm à?”. Những năm cấp ba đã quen với điểm 9 điểm 10. Giờ đây thấy toàn điểm 5 điểm 6, lác đác điểm 7. Dù vẫn chăm chỉ lên giảng đường thư viện, ghi chép không thiếu chứ nào, thức đến 1 – 2 giờ sáng, mà điểm số lại bê bết như thế này. Tôi ấm ức. Tôi khóc thầm. Tôi muốn phúc tra. Tôi muốn bỏ trường và thi lại. Tôi không biết liệu quyết định học trường y có phải là lựa chọn sai lầm hay không “Dường như mái trường này không dành cho mình”.

Và như một bản năng, khi gặp khó khăn, ta đi tìm trợ giúp. Tôi hỏi anh chị khóa trên. Và nhận được nhiều lời khuyên.

“Trong trường y hả? Muốn điểm cao? Được thôi! Chăm chỉ lên em. Ở đây không cần thông minh đâu”. Bạn có thấy lời khuyên này quen quen không?

“Em thử ra ngoài hiệu sách, tìm hiểu về Sơ đồ tư duy xem”. Đây có lẽ là lời khuyên tốt nhất mà tôi nhận được.

Tôi lao ra ngoài hiệu sách, đọc tất cả những gì có thể tìm thấy liên quan đến việc học hiệu quả. Tôi hào hứng lắm. Tin tưởng tuyệt đối rằng điểm số học kỳ hai sẽ khác. Bước vào phòng thi đầy tự tin. Nhưng như bạn cũng đã trải qua rồi đấy. Những quyển sách đó, những phương pháp mà các tác giả chia sẻ dường như “Không dành cho tôi. Không phù hợp với tôi”. Sơ đồ tư duy của Tony Buzan tôi chỉ vẽ được một thời gian rồi bỏ đó. Bởi tôi vẽ không đẹp. Bởi sách quá dày, mỗi bài học quá dài, cứ ngồi làm như Tony hướng dẫn thì mất cả tuần tôi mới đọc hết một bài lý sinh hay giải phẫu dài 30-50 trang A4. Trong khi đó, tôi còn phải học nhiều môn khác nữa, cũng dày hệt như vậy. Và tệ hơn là khi vẽ xong Mindmap thì tôi không còn nhớ được nhiều (rằng trước đó mình đã học, đã đọc cái).

Nếu như đó cũng là hành trình mà bạn đã và đang trải qua, thì tôi xin được chúc mừng bạn. Bởi bạn đang có mặt ở đây, đang đọc những dòng chia sẻ này. Bởi tôi cũng từng như bạn, từng khát khao, từng máu lửa, từng hy vọng, và nhiều lần thất vọng. Nhưng tôi đã chinh phục được ngọn núi lớn đó – PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ. Và tôi đang mở lòng chia sẻ cho những người mở lòng đón nhận. Thành công không hề dễ dàng, nó luôn đòi hỏi ta phải trả những cái giá. Đó có thể là tiền bạc, thời gian, tâm huyết, thậm chí là nhiều lần thất bại – đau đớn – tủi nhục. Tôi đã tự mình làm chuột bạch trong cách kỳ thi chính thức ở trường Y Hà Nội để kiểm chứng những phương pháp của mình. Để hoàn thiện nó, để đảm bảo nó sát thực và hiệu quả nhất cho sinh viên y dược. Và giờ đây, học trò của tôi, bạn bè của bạn đang thừa hưởng những thành quả đó.

Đến lúc rồi, để bạn có thể LÀM CHỦ CÁC PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ, thì đây là 7 bí quyết mà bạn cần phải thuộc nằm lòng – phải trăn trở về chúng – phải luôn tự nhắc nhở bản thân. Nó sẽ giúp bạn luôn căng tràn nhiệt huyết, phấn đấu để nằm trong nhóm những sinh viên xuất sắc nhất. Nó là bước khởi đầu để bạn chuẩn bị cho việc áp dụng những kỹ thuật – mẹo – chiến lược mà tôi gọi là PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ tại trường y dược.

  1. TIN TƯỞNG.

Như bạn đã biết ở trên, sau ngần ấy những thử nghiệm tự đem mình làm chuột bạch cho các phương pháp ghi nhớ – nghe giảng – đọc sách – ôn thi điểm cao, sau ngần ấy những khóa học, sau ngần ấy những hy vọng rồi lại thất vọng. Nếu tôi chấp nhận rằng, chẳng có phương pháp học hiệu quả nào cả. Liệu tôi có bước tiếp, có tiếp tục đi tìm những kỹ thuật tốt hơn, phù hợp cho việc ghi nhớ kiến thức ngành y dược không? Có lẽ là không!

“Ta chỉ thấy những gì mình đang tìm”

Nếu tôi không có ý định tìm kiếm, thì dù nó ở trước mặt tôi cũng sẽ không thấy.

Và điều quan trọng là, bạn luôn thấy có một số ít người thành công vượt trội trong cuộc sống. Và chắc chắn rằng học có điều gì đó khác biệt, trong cách suy nghĩ, trong cách học tập và làm việc.

Khi tôi đang bế tắc về điểm số, về cách học. Tôi hỏi những bạn có điểm số cao trong tổ, trong lớp “Cậu học như thế nào mà điểm cao thế?”. “Tớ có học gì đâu. Tối qua còn xem Người nhện cả đêm. Nuốt trọn quyển Conan” Họ luôn có những câu trả lời kiểu vậy. Và tôi muốn nhắc bạn rằng, ĐỪNG TIN như vậy! Họ có phương pháp đặc biệt đó. Chỉ có điều, đôi lúc họ không nhận ra mình đặc biệt như thế nào thôi. Mãi đến khi tôi quyết định sẽ mở lớp học để dạy phương pháp học hiệu quả tại trường y dược, mục đích chính ban đầu là để tự lập về tài chính, thì tôi mới nhận ra những phương pháp của mình đặc biệt đến vậy. Bởi lúc đó, mọi người mới biết – trầm trồ – ngợi khen vì họ không làm được như vậy. Tôi không chia sẻ thì tôi sẽ không biết chúng đặc biệt như thế nào cả.

Vì vậy, hãy luôn giữ vững niềm tin rằng luôn có cách tốt hơn. Hãy tự hỏi mình “Liệu đây đã là cách hiệu quả nhất chưa? Còn có cách nào tốt hơn không?”

“Cứ tin, rồi sẽ thấy”

  1. TÒ MÒ.

Một trong những yếu tố quan trọng đã giúp tôi thành công trong học tập và cuộc sống, đó là tôi luôn tò mò. “Ồ! Có gì đó ở đây nhỉ? Tại sao anh ấy thành công còn mình thì chưa?”. Tôi luôn tò mò với những gì mình nhìn thấy, nghe thấy. Và bằng việc tự vấn mình tôi bắt đầu đi tìm câu trả lời. Nhiều lúc tôi không tìm thấy kết quả như ý. Nhưng chính những hành trình đó đã tích lũy cho tôi nhiều dữ kiện để chuẩn bị cho những bước tiến mới khác trong tương lai.

Tôi không biết mình sẽ ra sao, trở thành con người như thế nào nếu mất đi tính tò mò. Hãy tưởng tượng, mọi thứ lướt qua mặt tôi, và tôi bàng quan cho qua, hờ hững với tất cả. Ôi, điều đó thật tệ. Tôi sẽ giống như khúc gỗ, vô tri vô giác, chẳng học hỏi và phát triển thêm được chút nào cả.

Dường như càng lớn lên, càng trải qua những thất bại – lỗi lầm. Chúng ta càng trở nên bàng quan, hờ hừng. Một chút gì đó tò mò của trẻ con vừa lóe lên thì lập tức bị những ký ức đau đớn trong quá khứ hù dọa “Coi chừng đó! Không an toàn đâu”. Nói đến cái này, tôi lại nhớ đến cô học trò Y6 của tôi, học ở trường Y Dược Tây Nguyên. Sau khi đọc xong quyển sách “Dám khác biệt, dám dẫn đầu” của tôi. Nguyễn Linh, tên của bạn ấy, quyết định nhắn tin cho tôi qua Facebook.

“Em đã từng học tiếng Anh online, và rồi nó không hiệu quả như những gì họ giới thiệu. Chương trình của anh có như vậy không?” Linh hỏi.

“Từ từ đã! Đây mới là điều quan trọng. Em đã học được gì từ sách của anh? Và em định để cho những trải nghiệm trong quá khứ trói giữ chân em mãi ở đó sao?” Tôi trả lời.

Dường như câu hỏi đó đã làm sống dậy con người tò mò trong Linh. Em không hỏi thêm gì nữa, mà chuyển khoản học phí cho tôi ngay. Và giờ đây, em cảm ơn tôi rất nhiều. Và luôn nói “Em tiếc quá, giá mà em học với anh từ sớm hơn, bây giờ chuẩn bị tốt nghiệp rồi”. “Đến duyên thôi em. Khi học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện. Anh vẫn ở đây suốt 9 năm qua mà”. “Tại em lo lắng quá”. “Vậy thì hãy nhớ trải nghiệm lần này. Hãy luôn tin tưởng rằng sẽ có điều tốt đẹp hơn. Và đừng để cho bất kỳ trải nghiệm nào trong quá khứ giữ chân em mãi ở đó”.

Hãy giữ sự tò mò như trẻ thơ. Luôn hỏi – hỏi – hỏi và mở lòng để học.

  1. KHÁT VỌNG.

Sẽ thật tồi tệ nếu như chúng ta không biết sáng mai thức dậy để làm gì. Bạn sống vì ý nghĩa gì? Bạn muốn 5 năm nữa sẽ trở thành con người như thế nào? Làm ở vị trí nào? Thu nhập bao nhiêu? Có những tài sản gì? …

Và tất cả những điều trên đều phải xuất phát từ việc làm chủ phương pháp học tập hiệu quả, rồi tiến tới phương pháp làm việc hiệu quả.

Sau những thất bại, chúng ta dần sợ sệt khi nói tới đam mê, nói tới ước mơ khát vọng. Nhưng nếu đến mơ bạn còn không dám, thì sao bạn dám làm – hành động để ước mơ đó trở thành hiện thực.

Nếu tôi không khát khao về việc làm chủ các phương pháp học hiệu quả. Thì tôi sẽ chẳng bao giờ chịu nỗ lực, cũng chẳng hy sinh điểm số của bản thân mình để kiểm tra tính hiệu quả của các phương pháp.

Sau tất cả, dù thế nào đi nữa hãy giữ cho mình những khát vọng, niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn. Cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa, nếu phía trước chỉ toàn màu xám u ám.

  1. CHỊU TRÁCH NHIỆM.

Suốt hành trình nghiên cứu và sáng tạo các phương pháp học tập hiệu quả, tôi đã thất bại nhiều lần. Và trong số những lần thất bại đó, tôi đã chán nản, đã đổ lỗi cho những quyển sách, những người thầy, những khóa học, rằng chúng không hiệu quả. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra, sẽ chẳng ích lợi gì nếu tôi cứ tiếp tục làm như vậy. Thời gian thì dần trôi qua, tôi chỉ có 6 năm ở trong trường Đại học Y Hà Nội, và tốt nhất là chỉ nên như vậy. Vậy mà mỗi kỳ trôi qua, tôi vẫn dậm chân tại chỗ với cách học cũ. Sẽ thế nào đây nên tuần sau tôi tốt nghiệp rồi, mà điểm số vẫn cứ mãi 5, 6, 7 thế này?

Tôi nhớ lại lúc mình ôn thi đại học. Cũng là lớp học đó, cũng là người thầy đó, cũng là bài giảng đó. Vậy mà có người người đậu đại học, có người trượt. Có người đậu cao, có người đậu thấp. Vậy thì vấn đề ở đâu? “À ha! Vấn đề là ở chính mình”. Đó là thời khắc tôi đã ngừng việc đổ lỗi cho người khác về những điều mình không hài lòng, về việc điểm số của mình thấp, về việc phương pháp học của mình chưa hiệu quả.

Tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm cho từng kết quả trong cuộc sống của mình. Còn bạn thì sao?

  1. JUST DO IT! (LÀM ĐI)

Đây có lẽ là khẩu hiệu mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết – Just do it. Chỉ có hành động, chỉ có làm đi mới có kết quả.

Tất cả chúng ta đều muốn có điểm số cao hơn, có sức khỏe tốt hơn, có nhiều tiền bạc hơn. Nhưng đa số mọi người đều ngồi suy nghĩ, lo lắng, và sợ hãi nhiều hơn là hành động để có được gì đó.

Tony Robbins, bậc thầy về phát triển bản thân chia sẻ “Không có thất bại, chỉ có kết quả hoặc bài học”. Đúng vậy! Khi ta hành động, hoặc ta đạt được điều mình muốn. Hoặc ta sẽ có những bài học để trưởng thành hơn và thành công trong tương lai.

Sẽ chẳng có điều gì xảy ra cho đến khi ta hành động.

Có thể bạn đến đây với hy vọng học được tất cả những bí quyết để thành công trong học tập và cuộc sống. Tôi cũng đã từng mong mỏi như vậy. Liên tục nghĩ ngợi, liên tục lo lắng: “Không biết những người thành công kia, họ đang che giấu điều gì nhỉ?”. Và tôi cứ miệt mài đi tìm. Tìm một thứ mà khi thành công tôi mới ngỡ ngàng – nó vốn không tồn tại. Người thành công họ chẳng che giấu điều gì cả. Ngược lại họ rất rộng lòng chia sẻ. Vậy thì tôi có đôi lời nhắn nhủ với bạn đây: “Hãy tận dụng những gì mình đang có. Phát huy nó một cách tối đa. Trong 7 bí quyết này, hãy chọn lấy một cái làm kim chỉ nam để luôn nhắc nhở bản thân hướng tới mục tiêu. Khi bạn có chút thành tựu, bạn sẽ tin tưởng, bạn sẽ hào hứng và bạn sẽ muốn thử cái thứ hai, rồi cái thứ ba …”. Ở đây tôi chưa dạy cho bạn các kỹ thuật để ghi nhớ – để nghe giảng – để đọc sách – để ôn thi điểm cao. Bởi đây chưa là thời điểm hợp lý. Bạn cần tôi luyện bản lĩnh, cần thay đổi niềm tin – thói quen cũ, cần mở lòng để sẵn sàng học hỏi đã. Những thất bại trong việc tìm kiếm phương pháp học, đã làm cho bạn mất niềm tin vào chính bản thân mình. Mất niềm tin vào những người thầy. Và nhiệm vụ của tôi ở đây là gieo lại niềm tin đó. Để bạn sẵn sàng buông bỏ những ký ức đau buồn. Nếu cốc nước của bạn đang chứa cà phê, vậy thì làm sao để nhanh chóng có được cốc nước lọc tinh khiết mà uống? Câu trả lời là, hãy đổ bỏ cốc cà phê đó. Và rót lại cốc nước lọc từ đầu. Khi bạn làm được điều đó, tôi sẽ có món quà, sẽ có chương trình tiếp theo phù hợp với bạn. Thậm chí bạn sẽ chủ động bước thẳng vào lớp học chuyên sâu của tôi để bắt đầu hành trình kiến tạo con người mới trong bạn. Bạn đã sẵn sàng gia nhập câu lạc bộ 3H chưa? (3H Club). 3H là viết tắt của Ham Học Hỏi. Nếu đã sẵn sàng, thì nhận quà tặng ở dưới nhé!

  1. LÀM CHỦ GIỌNG NÓI TRONG TÂM TRÍ.

“Rào cản lớn nhất ngăn bạn tới thành công là gì?”

Nếu ai đó hỏi tôi câu hỏi đấy vào những năm trước đây, như khi tôi bằng tuổi bạn. Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: “Ờ thì … Do tôi chưa giỏi tiếng Anh. Do tôi có nhiều việc phải làm quá mà thời gian thì có hạn. Do tôi mới làm lần đầu. Thậm chí, với đầy lòng tự ái. Do tôi dốt. Do tôi không chăm chỉ…”.

Nhưng bạn ạ! Ngày hôm nay, khi đã có chút thành công được mọi người ghi nhận. Khi đã có cơ hội học hỏi, giao lưu với những bậc thầy trên thế giới. Tôi nhận ra rằng, thứ lớn nhất đang cản trở mình đến với thành công đó chính là những câu chuyện mình đang kể với chính mình, những câu nói mình đang tự nói với mình. Chỉ đôi lần người ta nhìn thẳng vào mặt tôi và nói “Này! Cậu chơi tệ thật đấy!”. Thế nhưng tôi lại liên tục tự nói với mình: “Mình chơi kém quá. Mình dốt quá. Mình không phù hợp với cái này. Cái này có lẽ không dành cho mình rồi…”. Tôi tự tước bỏ quyền hạn của mình. Tự truất ngôi vị của mình.

Hãy nhớ lại mà xem. Nếu ai đó xem bạn học hay xem bạn chơi bóng đá. Họ lại bảo “Cậu chơi kém quá và cười”. Bạn sẽ cười lại và tiếp tục chơi. Nhưng nếu lại tiếp tục thêm một lần nữa, rồi một lần nữa bạn được nghe “Này! Cậu chơi tệ thật”. Thì bạn còn đủ nghị lực và nhiệt huyết để chơi nữa không? Nếu câu trả lời là có, thì bạn đang nằm trong nhóm đặc biệt 1% dân số của hành tinh này. Bạn có tố chất của một vĩ nhân. Vậy đấy! Thế mà bạn liên tục chê bai bản thân “Mày chơi tệ thật đấy. Mày dốt quá. Mày không phù hợp với cái này…”. Nên bạn bỏ cuộc và thất bại là phải thôi.

Nào, hãy để ý xem bạn đang tự nói gì với mình? Nó có đang giúp cho bạn có thêm năng lượng để hành động. Để bước một bước đi mới không? Hay nó đang ru ngủ bạn. Đang bảo bạn cứ tiếp tục như vậy. Nó đang gieo rắc những nỗi lo lắng và sợ hãi vào tâm trí bạn?

“Nếu cứ nghĩ như đã từng nghĩ, sẽ chỉ làm như đã từng làm, và chỉ được những gì đang có”. Bạn muốn có kết quả mới ư? Đến lúc rồi. Đến lúc phải thay đổi câu chuyện mình đang tự kể với mình. Đến lúc phải thay đổi cách mình phản ứng, tiếp cận với sự việc xảy đến với mình. Đến lúc phải làm khác đi với những ngày tháng trước đây.

  1. MỞ LÒNG.

Không phải vô tình tôi để bí quyết mở lòng ở cuối cùng. Bởi nó chính là một trong những bí quyết quan trọng nhất giúp bạn thành công nhanh, trở thành sinh viên xuất sắc trong thời gian ngắn.

Hãy tưởng tượng, bố mẹ bạn trồng một cây cam. Họ đều mong muốn cây nhanh ra quả, và có nhiều quả ngọt. Vậy những yếu tố nào sẽ quyết định tới điều đó? Rõ ràng chúng ta cần làm đất, chọn những hạt giống, gieo chúng xuống, tưới tắm chăm bẵm, bắt sâu nhỏ cỏ, che nắng che mưa cho nó, và cả chờ đợi nữa. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc có được những quả cam ngọt. Nó hệt như thành công của chúng ta vậy. Cần có quá nhiều yếu tố tham gia vào. Và thứ duy nhất để giúp cây cam nhanh chóng đơm hoa kết quả đó là mở lòng đón nhận. Nếu không đón nhận việc làm đất thì sao nhỉ? Ừ thì 100 hạt cam gieo xuống, cũng sẽ có những hạt mọc lên. Nhưng chắc chắn tỷ lệ sẽ không cao. Và rồi tốc độ lớn lên của cây cam cũng không được lý tưởng nhất như tiềm năng của nó. Tương tự như vậy, khi bạn làm đất rồi, có phải cứ gieo hạt xuống là mọc thành cây đâu. Vẫn có những hạt lép, hạt thối mà, phải không? Lúc đó ta lại cần đến những chuyên gia về hạt giống để hỗ trợ, đảm bảo chọn được những hạt giống tốt nhất.

Một lần nữa ta phải thẳng thắn với nhau rằng, không ai tự mình làm nên thành công cả. Chúng ta sống trong một thế giới mà có sự tác động tương hỗ lẫn nhau. Mỗi ngày chúng ta chỉ có 24 giờ. Nên để thành công nhanh nhất, ta phải hiểu được bản thân mình. Hiểu được sở trường sở đoản, điểm mạnh điểm yếu. Hiểu được khát vọng ước mơ. Hiểu được ý nghĩa cuộc đời mình. Để quyết định sẽ tự tay làm cái gì, và những cái gì sẽ kêu gọi sự hỗ trợ. Một số thứ bạn có thể xin sự hỗ trợ từ bố mẹ, anh em, bạn bè. Một số thứ bạn sẽ đánh đổi thời gian của mình để nhận được sự giúp đỡ. Một số thứ bạn sẽ cần trả một khoản phí để có được sự trợ giúp. Dù thế nào đi nữa, thứ duy nhất bạn cần đó là mở lòng để kêu gọi sự trợ giúp từ xung quanh. Hãy nhớ, chúng ta sống trong một thế giới ảnh hưởng và tác động lẫn nhau. Chúng ta ở trong xã hội này, hệt như những tế bào ở trên một cơ thể.

Mỗi khi đứng trước lựa chọn thuê ai đó làm việc cho mình, theo thói quen cũ tâm trí tôi lại thì thầm “Mình có thể tự làm được mà. Tại sao phải lãng phí tiền thế”. Tôi nai lưng tự mày mò. Tốn cả mấy tuần trời mà chẳng đi đến đâu. Rồi tôi gọi điện, thuê người đến. Chỉ sau 15 phút họ đã hoàn thành. Không chỉ hoàn thành, mà còn hoàn thành xuất sắc nữa cơ. Vậy đấy, tôi tiếc một chút tiền, để rồi lãng phí mấy tuần trời cho cái việc mình không là chuyên gia. Đúng ra, tôi nên để mấy tuần đó làm thứ mình xuất sắc nhất. Tôi đã có được số tiền gấp hàng trăm lần số tiền tôi bỏ ra để thuê một chuyên gia về giúp tôi trong 15 phút.

Đó chính xác là cách mà các học trò của tôi đang tận dụng những hiểu biết, kinh nghiệm của tôi trong việc học hiệu quả tại trường y dược. Tôi đã huấn luyện cho họ, mỗi khi đứng trước việc phân vân có chi tiền để thuê hay không hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:

“Mình có là chuyên gia trong lĩnh vực này không?

Có ai làm xuất sắc hơn mình không?

Cái mình xuất sắc nhất là gì?

Mình đã thực sự mở lòng để học hỏi và đón nhận những người thầy chưa?”

Cách nhanh nhất để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, là thuê những chuyên gia trong lĩnh vực đó huấn luyện cho bạn. Bạn sẽ rút ngắn được thời gian thử nghiệm, tránh lãng phí thời gian vào những quyết định sai lầm không hiệu quả.

Cuối cùng, tôi mong rằng 7 bí quyết mà mình chia sẻ ở trên đã truyền cảm hứng được cho bạn. Thổi lên ngọn lửa khát khao, mong muốn thay đổi ở trong bạn. Nếu làm được như vậy, coi như tôi đã thành công rồi. Bước tiếp theo để bạn có thể bắt đầu tiếp cận với các kỹ thuật – mẹo – phương pháp học tập hiệu quả ở trường học (trung học, đại học, cao đẳng …), tôi có một món quà đặc biệt dành cho bạn.

NHẬN QUÀ TẠI ĐÂY

P/s: Nếu bạn đã mở lòng để bước một bước dài (bước nhảy lượng tử – Quantum Leap) và bạn thực sự muốn đi nhanh nhất. Xin mời bạn liên hệ trực tiếp với tôi (email: bsltrongdai@gmail.com ; SĐT 0981815168) để tham dự chương trình huấn luyện chuyên sâu. Tôi cam kết nó sẽ xoay chuyển cuộc sống học tập của bạn trong vòng 2- 4 tuần.

Tác giả, bác sĩ: Lê Trọng Đại

bsletrongdai@gmail.com

Bệnh viện đa khoa Đức Giang

Số 54 Trường Lâm, Long Biên, Hà Nội

P/s: Đọc ngay Bí quyết để Học Nhàn Mà Hiệu Quả tại trường y dược ở đây  

https://letrongdai.com/bi-quyet-de-hoc-nhan-ma-hieu-qua-tai-truong-y-duoc/
Chia sẻ bài viết này
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thực hiện phép tính (chống spam) *

0981.81.51.68
1
Bạn cần hỗ trợ?
Chát với chúng tôi