Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều có ít nhất một
THỜI KHẮC ĐỊNH MỆNH
làm xoay chuyển cuộc đời mình,
đưa cuộc sống rẽ sang một trang mới.
Với tôi chính là thời khắc đó.
Trước đó, tôi vẫn nghĩ mình sẽ bước tiếp trọn vẹn trên con đường thi cử, bằng cấp (từ bác sĩ đa khoa, rồi bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư). Thậm chí tôi còn lên cả một kế hoạch gồm nhiều sự kiện nối tiếp nhau. Nào là tự hào giới thiệu bạn gái mới với bạn bè và gia đình. Giới thiệu lớp học yêu dấu How to use your head (HUH) tới các thầy cô, bạn bè và nhiều thế hệ sinh viên y dược sau tôi... Thế nhưng tôi lại không lên kế hoạch cho điều đó, điều mà bạn bè tôi hầu như ai cũng có phương án dự phòng. Và cái hung tin đó dường như đã đánh sập cuộc đời tôi.
Ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học y Hà Nội và kết thúc kỳ thi bác sĩ nội trú (kỳ thi danh giá nhất mà tất cả các thế hệ bác sĩ đều khao khát mình được có mặt trong hàng ngũ đó, và tôi cũng vậy), tôi và 23 bạn cùng khóa được Ban giám hiệu chỉ định lên đường nhập ngũ học sĩ quan dự bị cho ngành Quân y. Dạo đó cả nước vẫn đang sục sôi vụ Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 ở vùng biển nước ta. Chúng tôi học cùng 25 bạn đến từ trường Đại học y dược Thái Nguyên.
Đó là cái ngày tồi tệ nhất trong 4 tháng học sĩ quan. Buổi trưa đã quá tệ hại rồi. Thế nhưng đến tối, sự tệ hại đó vẫn chưa dừng lại. Tôi không dám đi đâu, chỉ ngồi yên ở cái bàn trực được kê ngoài vỉa hè dưới tán cây xạ cừ cổ thụ, và tí tí lại bấm điện thoại lên để nhìn giờ. Có em Luân ra ngồi bên cạnh để an ủi tôi chuyện lúc trưa. Tụi tôi gọi là em Luân vì toàn lũ con trai, nên lấy Luân ra trêu cho có không khí trai gái. Hôm đó tôi thứ 6 nên Đại đội vắng tanh vắng ngắt. Già nửa Đại đội về phép, theo lịch tôi cũng được về nếu như không dính sự cố lúc trưa. Số còn lại, đứa thì lên căng-tin xem bóng đá, đứa thì nằm ở phòng ôm điện thoại hí hoáy.
Không khí im ắng bị xé toạc bởi tiếng hét của một thằng từ căng-tin “Có điểm thi nội trú rồi chúng mày ơi. Có điểm rồi”. Tim tôi cũng thình thịch hồi hộp. Nhưng tôi tâm trí tôi tự tin lắm. Tôi luôn tin mình sẽ đậu. Tụi nó từ căng-tin chạy về phòng, ồn ào nháo nhác. Tôi vẫn bình tâm ngồi ở bàn trực ban.
“Thằng Dương đậu ung thư rồi này, thằng Thành, thằng Huy nữa”
Nghe đến từ ung thư, tim tôi càng đập rộn lên. Vì tôi thi chuyên ngành ung thư.
“Hình như thằng Đại cũng thi ung thư đấy, nó đậu không?”
Đến đây thì tôi không thể bình tâm được nữa.
“Trượt rồi, 28.5 điểm. Chuyên ngành ngoại được 6 điểm thôi”.
Tôi lao vào “cho tớ xem”. “Uhm, trả cậu này” Tôi ậm ừ, nghẹn ngào, chết lặng người.
“Hôm nay là cái ngày quái quỷ gì vậy nhỉ?” Tôi đau nhói trong con tim. Tôi muốn khóc ngay lập tức. Nhưng tôi vẫn phải cố tỏ ra bản lĩnh. Tôi đi lại bàn trực ban. Như vô thức, tôi lại rút điện thoại ra. Viết một tin nhắn nữa gửi cho em. “Anh xin lỗi em. Anh trượt nội trú rồi. Trưa nay, tôi vừa xin lỗi em. Giờ lại xin lỗi nữa. “Sao vậy trời? Tại sao lại là con?”. Cả trung đội có 4 đưa thi ung thư, 3 đứa đậu còn mình tôi trượt. ư
“Cái ngày gì mà chưa hết xót xa này đã tới xót xa kia thế này?” Tôi tự dằn vặt mình. Trưa hôm đó là ngày đầu tiên tôi trực ban đánh kẻng báo hiệu giờ giấc sinh hoạt cho toàn Đại đội (tôi là tiểu đội trưởng tiểu đội 5). Tâm trí tôi chỉ nghĩ về đội bóng U19 mấy ngày nay đang làm náo động đấu trường khu vực (có Công Phương, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều, Văn Toàn …), và nghĩ đến ngày mai được về phép đi chơi với bạn gái. Đã hơn 1 tháng rồi chưa được về lại Hà Nội thăm em. Cầm tờ lịch trình và hướng dẫn số hồi kẻng trên tay, vậy mà tôi có thể quên đánh hồi kẻng lúc 13h45 để gọi mọi người dậy.
Anh Sâm – Đại đội trưởng lao xuống:
“Sao cậu không đánh kẻng gọi Đại đội dậy?”
“Dạ Anh, em tưởng 14h00 mới đánh”
“Tưởng à. Ra đánh nhanh. Rồi lên phòng chỉ huy gặp tôi”
Tôi run rẩy chạy đi đánh kẻng, rồi lên phòng chỉ huy:
“Cậu chưa nhớ lịch đánh kẻng đúng không?”
“Em xin lỗi Anh ạ”
“Vậy phạt cậu ngày mai trực ban tiếp”.
“Nhưng anh ơi, mai em có lịch về phép. Em xin từ tuần trước rồi Anh”
“Không có phép phiếc gì hết”
Tôi nài nỉ anh. Nhưng anh Sâm không tiếp chuyện tôi nữa. (Sau này, khi thầy hiệu trưởng lên thăm chúng tôi. Tôi đã chia sẻ bài học quý giá, giờ nào làm việc đó. Và cảm ơn anh Sâm rất nhiều).
Tay xách cặp trực, tay cầm điện thoại. Tôi xót xa nhắn tin báo cho em “Anh xin lỗi em. Anh không về đưa em đi chơi được rồi. Anh trực ban mà quên đánh kẻng nên bị phạt hủy lịch nghỉ phép và phải ở lại trực thêm một ngày nữa”
…
Tôi từng nghĩ mình tài giỏi lắm. Bạn bè, nhiều em khóa dưới, một số anh chị khóa trên đều dành những lời khen tặng và ngưỡng mộ cho tôi. Từ một sinh viên trung bình yếu, với khát khao tìm ra phương pháp học nhàn mà hiệu quả và điểm cao trong trường y, tôi đã vươn lên dành học bổng loại giỏi. Không chỉ vậy, từ năm thứ 3 tại trường Đại học y Hà Nội, tôi đã bắt đầu mở lớp hướng dẫn cho các bạn sinh viên khác (có cả các anh chị khóa trên là học viên của tôi) cách để học nhàn mà điểm cao trong trường. Tôi còn vận dụng hệ thống ghi nhớ của mình để học Điện tâm đồ, khí máu động mạch, Xquang và tổ chức nhóm chia sẻ giúp cho các anh chị khóa trên và các em khóa dưới học nhàn hơn. Khi mùa ôn thi nội trú tới, bạn bè rủ tôi đi học ôn thi nội trú do anh thủ khoa năm trước mở lớp dạy. Tôi như vỗ ngực tự cao “tụi mày đi đi, tao tự lo được”. Thực ra là vì hai lý do, một là tôi tiếc tiền; một là cái tôi bản ngã của tôi lên tiếng “Mình còn đi dạy người ta phương pháp học, học trò của mình năm ngoái còn đậu, giờ mình lại cắp sách đi học anh kia, người ta cười cho thối mũi”. Nhưng khi tôi trượt rồi mới biết, tôi trượt mới là lý do cho người ta cười thối mũi.
Từ cái đêm đó, tôi trở nên tồi tệ trong chính mắt tôi. “Mày tưởng mày giỏi ư? Hóa ra chỉ vậy thôi”. Ngang qua chỗ tụi bạn tụ tập, thấy chúng nó cười nói lúc tôi đi qua, trong đầu tôi vang lên “Tưởng thằng Đại giỏi thế nào”. Tôi dường như trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương bởi bất cứ điều gì.
Rồi bố mẹ gọi điện hỏi về tương lai, tôi như mơ hồ. Lúc thì bảo sẽ ở lại Hà Nội, lúc lại bảo sẽ vào Đà Nẵng theo chương trình của thành phố. Thầy cô ở trường Đại học y Hà Nội, những người tôi gắn bó, cũng gọi điện an ủi tôi. Học trò cũng gọi điện hỏi thăm tôi. Khi nói chuyện với mọi người, tôi vẫn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ. Thể hiện mình vẫn sẽ xông pha nhiệt huyết như trước đây. Nhưng thực sự, tôi muốn nói toạc ra cho mọi người biết rằng tôi đang tệ hại, đang chết ỉu đây này. Tôi chẳng còn quan tâm ngày mai sẽ thế nào? Mục tiêu là gì? Phải hoàn thành những việc gì? Mọi thứ cứ vô định trôi đi theo nhịp ngày đêm, sáng tối.
Tôi tự dằn vặt mình bằng những câu “Tại sao lại là mình? 4 đứa thi, 3 đứa đậu còn mình mình trượt”. “Điều gì đã đẩy mình tới nông nổi này?”. Cứ thế, 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần, rồi 4 tuần trôi qua. Mọi thứ dường như càng ngày càng tệ hơn. Tôi không để cho ai biết tâm trạng thật của mình, ngoài em. Dường như em cũng yêu tôi nhiều hơn sau cái ngày tệ hại đó, dù tôi không về đưa em đi chơi được.
Nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy mỗi khi mình gặp trắc trở khó khăn cũng luôn xuất hiện ai đó dang tay ra hỗ trợ mình. Dù khó khăn đó là gì đi chăng nữa.
Tôi đã khóc, nước mắt dàn dụa. Một mình giữa đêm khuya ở lán trước bãi tập bắn súng K54. Nỗi đau dường như đã quá sức chịu đựng của tôi. Tôi vẫn hỏi “Tại sao lại là mình cơ chứ?” Và tôi chỉ thấy tồi tệ hơn. Rồi bỗng ở đâu đó, câu hỏi khác đã vang lên “Mình đã làm điều gì để ra nông nổi này?”. Tôi không biết. Nhưng lúc đó, nó như tia sáng, dù rất mờ ảo. Tôi thấy dường như mình có quyền kiểm soát thứ gì đó rồi. Chứ không phải bất lực như những lần tự trách móc lâu nay. Và rồi câu hỏi đó tựa như Chúa đã dắt tay tôi đến với 3 câu hỏi khác.
(1) Mình đã thực sự nỗ lực chưa?
Trong khi bạn bè ở lại ký túc xá, lên giảng đường thúc xuyên ngày đêm để ôn thi. Tôi chọn về quê, vừa học vừa tìm cho mình một mối nhân duyên trăm năm – chính là cô ấy. Nhà cô ấy gần với nhà tôi. Tôi nhắn tin và gọi điện nhiều. Cô ấy sợ tôi không tập trung ôn thi, lo lắng và nhắc tôi. Nhưng đang yêu mà, càng nói càng muốn nói. Tôi ôn thi và nghĩ ngày kia tôi đậu, sẽ hãnh diện giới thiệu với gia đình, bạn bè, thầy cô rằng tôi vừa có thể ôn thi tốt vừa có thể tán đổ cô gái hiền lành xinh đẹp.
(2) Mình đã thực sự mở lòng đón nhận/học hỏi chưa?
Lúc ôn thi, bạn bè rủ tôi đi học thêm tại nhà anh thủ khoa năm trước. Vì tiếc tiền, vì cái sĩ diện hão mà tôi đã từ chối. Giờ đây, bạn bè tôi, những người lúc học ở đại học kết quả thấp hơn tôi nhiều, lại đậu. Còn tôi thì trượt. Anh ấy xuất hiện và mở lớp chia sẻ, tôi hay bất cứ bạn nào đều có thể đăng ký, nộp học phí và đi học. Nhưng tôi lại chọn từ chối. Giống như mưa vậy, khi rơi xuống một vùng thì được chia đều. Nhưng có chỗ đón nhận, có chỗ không. Và chỗ đón nhận thì cây cối tươi tốt, đâm chồi nảy lộc kết trái. “Mình đã thực sự mở lòng đón nhận cơ hội chưa?” Tôi nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong.
(3) Mình đã thực sự biết ơn, trân trọng và tận dụng tối đa những gì đang có chưa?
Bạn bè tôi đi ôn về, có những tài liệu riêng. Chúng nó bảo “Đi photo về mà học”. “Thôi, tao tự lo được”. Giờ nghĩ lại, tôi thấy kẻ thù thực sự của mình là cụm từ “… TỰ LO ĐƯỢC”. Cái gì đến với tôi tôi cũng từ chối và nói “ … tự lo được”. Chúng nó đang hào hứng giúp đỡ tôi. Vậy mà tôi nỡ tạt một gáo nước lạnh vào chúng. Liệu tôi có thực sự biết ơn những người bạn đó? Biết ơn sự quan tâm lo lắng chúng dành cho tôi? Tôi có biết trân trọng những tình cảm chúng dành cho tôi? Và nếu hạ thấp cái tôi của mình xuống, tôi đón nhận chúng. Tôi kết hợp những tài liệu đó với hệ thống học nhàn điểm cao mình đã sở hữu, thì có phải tôi sẽ trở thành một thứ tuyệt vời hơn không? Tôi đã tận dụng tối đa những gì mình đang có chưa?
Sau những giọt nước mắt đêm đó, tôi quyết định mình sẽ làm khác đi. Mọi thứ thực sự không dễ dàng chút nào cho một kẻ tự kỷ bắt đầu muốn hội nhập với cộng đồng. Khó khăn lắm, cả trăm tiếng nói kiểu “tụi nó đang cười mày kìa” cứ vang lên để giữ chân tôi lại. Nhưng tôi lại hỏi “Mình đã thực sự nỗ lực chưa? Mình đã thực sự mở lòng để đón nhận và học hỏi chưa? Mình đã thực sự biết ơn, trân trọng và tận dụng tối đa những gì đang có chưa?”
Và giờ đây, tôi đã có cuộc sống như mình khát khao, cuộc sống TỰ DO. Tự do về thời gian. Tự do về địa lý. Tự do về tài chính.
Nếu đó cũng là cuộc sống mà bạn khao khát, thì tôi chúc mừng bạn, bạn đang trò chuyện với đúng người rồi. Tôi tin bạn sẽ muốn biết chính xác những chặng đường tôi đã qua, những người thầy tôi đã gặp, những thách thức tôi gặp phải và cách tôi vượt qua nó. Vâng, tôi đã ghi lại toàn bộ những điều đó trong 2 quyển tự truyển của mình để chia sẻ với bạn.
1. DÁM KHÁC BIỆT DÁM DẪN ĐẦU
(Tôi đã biến ĐAM MÊ thành hiện thực và xác lập vị thế của mình trong xã hội từ ghế giảng đường như vậy đó). Sách được ấn hành bởi Nhà xuất bản Lao động. Thông tin về sách XEM TẠI ĐÂY
2. SỐNG TRỌN CÙNG ĐAM MÊ:
(Hệ thống đã được kiểm chứng hiệu quả dành cho những người khát khao cuộc sống tự do tài chính bằng đam mê)
Bác sĩ – Tác giả – Doanh nhân – Nhà huấn luyện: Lê Trọng Đại