Tốt Nghiệp THPT, Nên Chọn Học Trường Y Dược Nào?

Tốt nghiệp THPT nên chọn theo học trường y dược nào

Tác giả: Bs. Lê Trọng Đại

(Nếu bạn thích xem video hơn đọc, thì có thể xem video ở trên)

Chào em, nếu em đang có ý định theo học ngành y dược, hẳn trong em sẽ đang phân vân:

  • “Mình nên chọn trường nào nhỉ? Y Hà Nội, Y Dược Hải Phòng, Y Dược Thái Nguyên…?”
  • “Và nên theo chuyên khoa nào đây? Bác sĩ đa khoa hay RHM, hay Y học cổ truyền?”
  • “Điểm của mình không hẳn xuất sắc nhất, nên lựa chọn cũng phải nghĩ kỹ.”

Vào ngày mai, 26/7/2021, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Và em sẽ biết chính xác mình được bao nhiêu điểm. Hẳn em đang rất hồi hộp. Nhưng phía trước còn nhiều lần hồi hộp và gay cấn hơn nữa, em ạ.

Khi em biết điểm, nếu điểm số của em thật xuất sắc, vượt trội hơn hẳn so với bạn bè đồng trang lứa. Thầy chúc mừng em, gia đình em và làng xóm của em. Em sẽ rộng cửa và không phải suy nghĩ nhiều cho những lựa chọn của mình. (Có thể em đang nghĩ tới Đại học Y Hà Nội, hay Đại học Y Dược TP. HCM …)

Nhưng nếu như bạn bè em điểm số cũng sàn sàn như vậy. Thì đây chính là thời khắc bắt đầu sự căng thẳng với em và bố mẹ. Những năm trước, thầy đã nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn từ phụ huynh, nhờ tư vấn giúp nên chọn học trường y dược nào. Bởi điểm số của các bạn quá cạnh tranh so với bạn bè.

Ở tuổi của em, năm 2008, thầy may mắn – cứ gọi là vậy đi, bởi nhiều lúc học tài mà thi phận – đỗ cả 2 trường với điểm số 29 (Đại học Y Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân). Vì điểm sốt vượt trội, nên cứ thẳng tiến vào trường, mà không phải phân vân nguyện vọng 2, 3.

TẠI SAO EM CHỌN THEO HỌC NGÀNH Y DƯỢC?

Trước khi nói về việc nên theo học trường y dược nào, và chọn chuyên khoa nào. Thầy muốn cùng em làm rõ, thật rõ, việc theo học trường y dược có phải là khát vọng của em không. Tại sao em lại chọn theo học ngành y dược?

Khát vọng nó khác với hứng thú nhất thời em ạ.

  • Có thể trong quá khứ em đã từng điểm thấp, kém cỏi hơn bạn nào đó. Và giờ em cố gắng để chứng tỏ với họ (bạn bè, bố mẹ, họ hàng, thầy cô …) rằng mình tài giỏi. Nên em chọn học y dược cho nó hoành tráng. Vì người ta cứ truyền tai nhau rằng “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa…”. Nhưng em ạ! Đây là lựa chọn quyết định cả cuộc đời phía trước, chứ không phải việc chứng tỏ nhất thời. Hãy ngưng lại và suy ngẫm.
  • Hay có thể em chọn học y dược vì hàng xóm của em, có “ông/bà” bác sĩ nào đó giàu có. Bố mẹ em thì nghèo khó, không thể mua cho em nhiều quần áo, đồ đạc … như “ông/bà” đó. Và em cũng muốn theo học y dược để sau này giàu có. Nhưng thực tế không phải như vậy đâu em ạ. Cái nghề này, bạc nhiều hơn hồng. Nó đúng như cái màu áo blu trắng vậy. Phải là người nhẫn nhịn, cam chịu hy sinh, đầy lòng vị tha và nhân ái thì mới thành một bác sĩ tử tế được. Trước khi tốt nghiệp, trước khi nhận tấm bằng bác sĩ, em sẽ được đọc tuyên thệ 12 điều y đức & Lời thề Hippocrate. Và đây như kim chỉ nam dẫn đường. Cũng là lằn ranh mà một người bác sĩ có lương tri dùng để cảnh báo chính bản thân mình. (Thầy có trích ở dưới để em tham khảo)

12 điều y đức & Lời thề Hippocrate (Bộ Y tế Việt Nam)

Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Ban hành kèm theo quyết định số: 20881BYT-QĐ ngày 06 tháng 11nǎm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế:

1. Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

2. Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.

3. Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

4. Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.


5. Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.

6. Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.

7. Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.

8. Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chǎm sóc và giữ gìn sức khỏe.

9. Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.

10. Thật thà, đoàn kết tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.

11. Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước.

12. Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.

  • Cũng có thể em chọn học trường y bởi đã từng chứng kiến người thân trong gia đình mình (bố, mẹ, ông bà, anh chị em …) trải qua những đau đớn bệnh tật mà mình không làm gì được ngoài việc đứng nhìn và khóc. Thầy đã từng như vậy. Năm thầy học lớp 7, ông nội thầy bị ưng thư di căn tới khớp gối. Chân của ông sưng to, kêu đau suốt ngày đêm. Tiêm bao nhiêu thuốc giảm đau (dùng cả morphin) mà không đỡ. Thầy chỉ biết đứng nhìn và khóc. Cả nhà chỉ biết đợi bác sĩ dưới trạm xá lên tiêm giúp. Lúc đó thầy chỉ mong mình là bác sĩ để có thể làm gì đó nhiều hơn là khóc. Có thể em cũng đã từng trải qua tình huống như vậy.

Trong hơn 11 năm qua, thầy làm việc và học tập với hàng ngàn sinh viên khắp cả nước, được nghe hàng hàng lý do chọn theo học trường y dược. Và đa số đều thuộc vào 3 lý do trên. Và thầy mong, lý do của em tương tự lý do thứ 3 ở trên. Bởi nó sẽ là động lực lớn giúp em đi vững trên chặng đường dài gian nan phía trước.

Vậy, nếu trở thành bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y học thực sự là KHÁT VỌNG, là niềm trăn trở của em. Thì HỌC TRƯỜNG NÀO CHẲNG CÒN QUAN TRỌNG NỮA.

Học Y Hà Nội, tốt nghiệp vẫn là bằng bác sĩ, điều dưỡng …

Học Y Thái Nguyên, tốt nghiệp vẫn vậy. Không hơn không kém.

Học Y Thái Bình … Hải Phòng, Thanh Hóa, hay bất kỳ mái trường nào cũng vậy mà thôi.

Sẽ có bạn (hoặc phụ huynh) đôi có với thầy kiểu “Nhưng mà học Y Hà Nội, Y Dược TP. HCM nghe oai hơn chứ. Mà CHẮC ở đó thầy cô cũng giỏi hơn, học hành cũng chu đáo hơn chứ”

Rất tiếc, đó chỉ là suy nghĩ của bạn mà thôi – Suy nghĩ của người chưa bao giờ trải qua.

NHỮNG LÝ DO THUYẾT PHỤC ĐỂ EM CHỌN TRƯỜNG Y DƯỢC PHÙ HỢP

Thực tế, bây giờ là thế giới phẳng.

Hãy để tôi hỏi câu này “Bạn đang ngồi đâu khi đọc bài viết này? Xem video này của Bs Đại?” Rõ ràng bạn không ngồi cạnh bác sĩ Đại. Có thể bạn đang ở Hà Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Trà Vinh… Thậm chí bạn đang ở Nhật Bản, Úc, Nga, Đức… (Bác sĩ Đại có học trò là các du học sinh Việt Nam ở các nước đó). Nhưng bạn vẫn đang được đọc, học những điều bác sĩ Đại chia sẻ, phải không nào.

Và điều tương tự cũng xảy ra. Dù bạn học Y Hải Phòng, bạn vẫn có thể có được những tài liệu, video bài giảng của các thầy cô ở Y Hà Nội. Đặc biệt, thời điểm này khi hình thức học online để tránh sự lây nhiễm covid thì việc có được những tài liệu như vậy càng dễ dàng.

“Nhưng … đó chỉ là lý thuyết thôi. Còn thực hành nữa cơ. Học y quan trọng là học thực hành, học lâm sàng”

Bạn kỳ vọng gì? Bạn nghĩ có sự khác biệt?

“Tôi chữa bệnh cũng phải lên Bạch Mai, Việt Đức, Từ Dũ, Chợ Rẫy, Y Hà Nội, Y Dược TP. HCM mới an tâm. Vì ở đó có bác sĩ giỏi, thầy cô giỏi”

Thêm một lần nữa, đó chỉ là suy nghĩ của người chưa từng trải qua (Ở đây, có những điều tế nhị, mà tôi không tiện chia sẻ công khai. Sau này, khi con cái anh chị thực sự đã trở thành bác sĩ, anh chị sẽ hiểu)

Xã hội ngày nay, ai cũng bận rộn, ai cũng có những mối bận tâm riêng của bản thân mình. Thầy cô cũng vậy. Đầu tiên họ phải lo cho bản thân họ. Rồi vợ chồng, con cái họ. Rồi tới bố mẹ họ. Rồi đồng nghiệp, bạn bè, học trò họ trực tiếp hướng dẫn… Con của anh chị còn xa lắm mới lọt vào vòng quan tâm của họ. Và khi lọt rồi. Thì còn phải tự hỏi “Mình có xứng đáng để được người ta bỏ thời gian tâm sức ra để chỉ dạy hay không”

Rõ ràng, anh chị đã trải đời. Và anh chị hiểu rằng xã hội có đủ kiểu người. Có người ta gặp sẽ sẵn sàng chia sẻ, chỉ dạy ta ngay. Tiếc rằng kiểu người này ngày càng ít. Hầu hết mọi người bây giờ đều thu mình, quan sát, để xem đối phương có xứng đáng hay không rồi mới quyết định bước tiếp theo.

Nếu con cái anh chị làm được ít nhất 3 việc dưới đây, thì sẽ có nhiều thầy cô mở lòng chỉ dạy cho. Bác sĩ Đại xin vắn tắt như sau

  1. Ham học hỏi

Đặt nhiều câu hỏi thú vị, liên quan tới bài học.

  • Phản hồi/ thông báo về kết quả.

Có rất nhiều kẻ phiền phức. Đó là những kẻ chỉ hỏi và hỏi, hỏi rất nhiều nhưng chẳng bảo giờ cho người được hỏi biết câu trả lời của họ đã giúp ích gì.

Đừng là kẻ phiền phức đó.

Hôm nay bạn hỏi họ một câu hỏi. Nếu ngày mai gặp lại họ. Hãy cho họ biết lời gợi ý của họ đã giúp bạn thay đổi cuộc sống, thay đổi kết quả học tập như thế nào. Họ sẽ vui vẻ cho bạn những gợi ý tiếp theo.

  • Trở nên có ích.

Tại bệnh viện đã có quá nhiều việc phải xử lý (từ thăm khám bệnh nhân, ra y lệnh, xử lý công việc hành chính …), con bạn sẽ được xếp sau tất cả những thứ này. Vậy thì thay vì đứng ngoài hành lang bàn tán chuyện trên trời dưới biển, sinh viên hãy xúm tay vào giúp các anh chị điều dưỡng bác sĩ. Thầy cô anh chị có để ý không? Có đấy! Họ không nói nhưng vẫn sẽ để ý và truyền tại nhau “Lứa Y3, Y4 này được đấy. Ngoan và chăm chỉ”. Thế là mát mặt mát mày thầy cô ở khoa phòng. Họ sẽ muốn chỉ bảo hướng dẫn cho các bạn.

Ráng làm tốt ít nhất 3 việc trên nhé bạn trẻ!

Dù học ở trường nào đi chăng nữa, cũng đều cần những điều đó.

“Nhưng học Y Hà Nội, Y Dược TP. HCM … ra trường vẫn oai hơn, xin việc chắc cũng dễ hơn, ở những cơ sở hoành tráng hơn.”

Vâng, đây lại là suy nghĩ của những kẻ ngoài cuộc, chưa từng trải.

Bạn đã từng học Trung học cơ sở ở trường làng. Và sau đó đỗ vào THPT ở một trường “top” của Huyện. Ở đó có những bạn đã từng đạt giải nhất, giải nhì kỳ thi học sinh giỏi Tỉnh. Họ thật xuất sắc! Bạn cảm thấy mình nhỏ bé so với họ. Tuy nhiên, chỉ sau học kỳ đầu tiên, bạn không còn thấy sự khác biệt quá nhiều nữa. Vì sao? Vì môi trường mới sẽ giúp bạn dần cân bằng với những người bạn đó.

Điều tương tự cũng xảy ra ở môi trường làm việc (bệnh viện). Trong một bệnh viện, có đủ bác sĩ điều dưỡng tốt nghiệp ở đủ kiểu trường khác nhau. Và sau thời gian làm việc, bằng sự chia sẻ – rút kinh nghiệm, và lòng ham học hỏi, một thời gian sau mọi người đều có trình độ gần ngang bằng nhau.

Và thực tế, mức độ thành công trong cuộc sống phụ thuộc vào khát vọng – sự ham học hỏi của bạn nhiều hơn rất nhiều. Chứ ít khi liên quan tới việc bạn học trường đại học nào. Có hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp Y Hà Nội, Y Dược TP. HCM mà cuộc sống vẫn chật vật, bết bát. Và cũng có hàng chục nàng sinh viên tốt nghiệp Y Dược Hải Phòng, Y Dược Thái Bình … vẫn thành công rực rỡ trên con đường công danh sự nghiệp. (Tôi đang chia sẻ hoàn toàn khách quan đấy nhé. Bởi chính tôi tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội).

Một điều quan trọng nữa, ngày nay yêu cầu Bằng Cấp Cơ Bản đã cao hơn một bậc rồi.

Còn nhớ lúc tôi học lớp 2 – 3 gì đó, thời đó cậu của tôi thi tốt nghiệp lớp 10. Đó là điều mà cả nhà, cả xóm hãnh diện. Nhưng rồi sau đó một thời gian, phải tốt nghiệp lớp 12 (còn gọi là tú tài) thì mới là niềm hãnh diện cho gia đình làng xóm. Rồi một thời gian sau, phải đậu đại học – cao đẳng, phải tốt nghiệp trường đại học – cao đẳng nào đó mới là niềm hãnh diễn cơ. Bằng cấp cơ bản đã được đẩy lên theo thời gian.

Còn bây giờ, tốt nghiệp đại học – cao đẳng đầy ra kia. Thậm chí, cao học – thạc sĩ nhan nhãn. Giờ ít nhất phải là thạc sĩ (hay chuyên khoa cấp 1) mới là chuẩn cơ bản.

Có lẽ, 5 – 7 năm tới, chuẩn cơ bản phải là Tiến sĩ (chuyên khoa cấp 2). Và sau đó nữa là cái gì, tôi chưa biết nữa. Học vị chỉ đến Tiến sĩ là cao nhất rồi.

Và thực tế, tốt nghiệp đại học y dược xong, em vẫn chưa thể đi làm được. Vẫn sẽ phải theo học những khóa đào tạo ngắn ngày tại các trường đại học y dược. Và đây chính là điểm mấu chốt. Đây chính là nơi nút thắt được cởi bỏ.

“Bạn học trường nào ra vậy?”

“Tôi tốt nghiệp Cao học ở ĐH Y Hà Nội”

Đúng vậy! Dù trước đó, anh ấy – chị ấy học Y Dược Hải Phòng, Y Dược Thái Nguyên … thì cũng chẳng ai quan tâm nữa. Em vẫn theo kịp ý tưởng của thầy chứ? Chẳng ai quan tâm em học đại học ở đâu nữa, khi mà em đã học sau đại học rồi.

Việc học sau đại học (các khóa ngắn ngày, hoặc chương trình Cao học – CK 1) thì yêu cầu lại rất đơn giản, tỷ lệ chọi lại không quá khắt khe như lúc thi đại học. Đa số, em chỉ cần nộp hồ sơ và học phí là xong. (Sau này chúng ta sẽ nói nhiều hơn về cái này. Bây giờ có nói thêm em cũng không hiểu được. Và nó chẳng cần thiết).

HÃY NGHĨ CHO CON BẠN, ĐỪNG ĐỂ CHÁU BỊ TỔN THƯƠNG VỀ TINH THẦN

“Nhưng tôi vẫn thích Y Hà Nội, Y Dược TP… hơn”

Tùy thôi. Đó là lựa chọn của bạn! Cũng hệt như có người thích ăn phở hơn bún.

Tuy nhiên, mục đích của bạn là trở thành bác sĩ, dược sĩ. Đó mới thực sự là mục đích, còn học ở trường nào thì đó chỉ là công cụ giúp bạn đạt được mục đích đó thôi. Cũng như bạn muốn đi từ Hà Nội tới TP. Hồ Chí Minh, có cả 5 – 7 loại phương tiện khác nhau. Và phải biết mình đang “ở đâu”, tầm vóc nào mà chọn phương tiện cho phù hợp. Nếu bạn muốn đi nhanh, và có đủ tiền để mua vé máy bay. Dĩ nhiên rồi, ta sẽ đi máy bay. Nhưng nếu không đủ tiền, ta đành tìm cách khác vậy. Miễn sao vẫn đến được TP. Hồ Chí Minh kịp giờ là được.

Bạn đã từng bị nhốt ở nhà, trong khi bạn bè được đi chơi chưa? Cảm giác nó tệ lắm.

Điều tương tự, thậm chí còn tệ hơn, bạn nhất định mình phải học Y Hà Nội. (Hay con mình phải học Y Hà Nội cơ). Và quyết định ở nhà một năm để ôn thi lại. Tôi không biết bạn có tưởng tượng ra được 1 năm đó sẽ tệ thế nào không. Nên hãy đi học những người đã từng chọn ở lại 1 năm mà xem. Nó như một cực hình dằn vặt suốt 1 năm trời dài đằng đẳng vậy.

Tệ hơn nữa là 1 năm tuổi trẻ bằng 10 – 20 năm tuổi già. Trong khi bạn bè đang vươn ra để thích nghi với cuộc sống mới thay đổi đến chóng mặt, thì bạn vẫn ngồi trong xó đó với 4 bức tường và hy vọng mọi sự sẽ tuyệt vời với mình.

Tôi mong rằng những chia sẻ thực tế trên (có phần hơi gay gắt nếu bạn là người nhạy cảm) có thể thức tỉnh bạn. Hãy động viên con em mình đi học. Chọn một trường y dược nào đó phù hợp với các em, với điều kiện gia đình. Sau khi tốt nghiệp đại học, chúng ta còn phải học sau đại học nữa. Dù học ở trường nào, thì điều quyết định mức độ thành công trong tương lai của con em bạn là … SỰ KHÁT KHAO & HAM HỌC HỎI, chứ không hẳn là mái trường cháu nó đang ngồi.

Trân trọng!

Bs. Lê Trọng Đại

P/s: Nếu em đậu trường y dược, thì cũng là lúc bắt đầu cần tìm cho mình cách học hiệu quả ở trường y dược. Để có thể đạt học bổng, mà vẫn có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống trong xã hội. Thì dưới đây là một vài món quà thầy dành tặng riêng cho em. Chúc mừng em và gia đình em.

  • Sổ tay Hướng dẫn học nhàn mà hiệu quả tại trường y dược => Tải sách về ở đây
  • Sách BỨT TỐC: Cẩm nang giúp sinh viên y dược học nhàn mà hiệu quả => Tải sách về ở đây
  • Còn nếu em muốn đọc sách giấy, hãy ra hiệu sách gần nhà hoặc lên tiki/fahasha tìm mua sách Học Nhàn Mà Hiệu Quả (NXB Lao động, 2019) => Tải ebook ở đây
  • Nếu em thích nghe các bài giảng, thích xem video hơn đọc, thì kênh youtube của thầy (Bs. Lê Trọng Đại) có rất nhiều video bổ ích cho em. Đăng ký kênh yotube của Bs Đại

P/ss: Còn nếu em vẫn phân vẫn giữa việc có học trường y dược hay chọn một trường khác. Thì hãy tham khảo Thuyết bàn tay: Giúp định hướng ngành nghề. Nó sẽ mở ra bầu trời mới cho em đấy => Đọc ở đây

Liên hệ với Bs Đại:

Chia sẻ bài viết này
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thực hiện phép tính (chống spam) *

0981.81.51.68
1
Bạn cần hỗ trợ?
Chát với chúng tôi