Thuyết Bàn Tay (Hand Theory) Giúp Bạn Chọn Trường, Chọn Nghề Phù Hợp

THUYẾT BÀN TAY

ỨNG DỤNG ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ

VÀ SỐNG CUỘC ĐỜI Ý NGHĨA, TRỌN VẸN

 

“Lớn lên con làm nghề gì?

Con thích làm bác sĩ, công an, hay giáo viên?”

Bạn có thấy quen với câu hỏi này không?

Bạn đã từng được ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác … hỏi những câu kiểu kiểu như vậy chứ?

Còn nhớ lúc nhỏ, mỗi lần bác đi xa về, nhìn thấy tôi là lại hỏi như vậy.

“Thằng này được cái học toán cũng khá bác ạ. Sau này cho nó thi vào sư phạm làm giáo viên, như chú Nam” Bố tôi trả lời thay tôi.

Có lẽ bạn không lạ với điều này. Bởi lẽ nó gần như là “văn hóa” định hướng nghề nghiệp của chúng ta rồi.

Và giờ đây, khi đủ lớn và nhìn lại, tôi thấy cái “VĂN HÓA” này thật tệ.

Hệ lụy của nó là, bố mẹ làm nghề gì thì hầu như con cái lớn lên cũng làm chính cái nghề đó. (Trừ khi họ quá cay đắng và vất vả)

Dù con không thích, nhưng biết làm sao được, bố mẹ muốn nó kế thừa và tiếp nối những gì họ chưa làm được.

Họ đã từng có ước mơ! Nhưng đời họ không làm nổi. Họ tiếc nuối. Và muốn con cái sẽ làm nốt phần tiếc nuối đó.

Thật tệ phải không bạn! Con cái trở thành điều để thỏa mãn những ước nguyện còn khuyết thiếu của bố mẹ.

Trong sách Dám khác biệt dám dẫn đầu (do Nhà xuất bản Lao động ấn hành 8/2018) tôi đã dành cả Chương 10: “Các bạn trẻ! Bố mẹ có thực sự định hướng cho bạn tới thành công?” để chia sẻ về Thuyết bàn tay (hand theory) để giúp độc giả định hướng nghề nghiệp trong tương lai và có cuộc sống ý nghĩa trọn vẹn.

Chúng ta chỉ có một đời để sống. Và nếu so sánh thời gian sống của mình với sự tồn tại của trái đất này thì thực sự quá nhỏ bé. Vậy hãy sống sao cho cuộc đời (tuy ngắn ngủi này) thật ý nghĩa, phải không bạn!

Thuyết bàn tay (hand theory) của tôi có hai từ khóa chính (keyword). Một là phong cách sống (Style). Hai là vị trí việc làm (Site).

Trong suốt quá trình lớn lên, chẳng ai hỏi tôi “Con muốn sống một cuộc sống như thế nào?”, hay “Con sẽ theo đuổi một cuộc sống như thế nào? Tự do, an toàn, hướng về gia đình, hay muốn khẳng định sự nổi bật của bản thân?”

Ai cũng đều hỏi tôi về một vị trí việc làm (Site): Bác sĩ, công an, giáo viên, kỹ sư …

Nhờ những năm tháng nghiên cứu về tâm lý học, động lực chèo lái hành vi con người. Tôi hiểu được rằng, chúng ta có đầy đủ nguồn năng lượng để sống cuộc đời đầy đam mê hứng khởi.

Nhưng nguồn năng lượng đó chỉ được tuôn trào khi chúng ta được SỐNG ĐÚNG với những gì mình khát khao.

Nếu để tôi ngồi vào bàn tiệc thì thật tệ. Tôi sẽ chẳng nói được gì. Và chỉ muốn ăn thật nhanh, cho no bụng rồi đứng lên để đỡ phải uống rượu bia. Tôi thật nhạt nhẽo.

Nhưng vẫn là tôi, vẫn là con người ấy. Nếu được đứng lên sân khấu, chia sẻ với mọi người về những điều bí mật đã giúp tôi thành công. Tôi sẽ vô cùng phấn khích, nói xuyên ngày xuyên đêm. Bởi tôi đam mê với việc chia sẻ và giúp đỡ mọi người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống bằng hiểu biết của mình.

Bạn đã từng “nhạt nhẽo” trong những trường hợp nào? Nhưng lại cực kỳ hứng khởi khi được làm gì?

(Hãy viết ra ở dưới và cho tôi biết nhé)

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Để bạn hiểu được Thuyết bàn tay (hand theory), áp dụng nó cho chính bản thân và có cuộc sống đầy ý nghĩa, bạn hãy làm theo hướng dẫn sau đây của tôi.

Nào, chúng ta bắt đầu nhé!

Hãy tưởng tượng, bạn đang để bàn tay trái ở trước mặt. Hãy nhìn thẳng vào lòng bàn tay với các ngón xòe ra.

Tôi muốn bạn nhận ra rằng, lòng bàn tay chính là đại diện cho phong cách sống (style). Còn các ngón tay là đại diện cho vị trí việc làm (site).

Bản thân tôi, hiện tại, đang theo đuổi phong cách sống tự do (về tiền bạc, thời gian và địa lý). Và theo Thuyết bàn tay (hand theory), tôi sẽ làm bất kỳ vị trí công việc nào (đến bất kỳ ngón tay nào) nếu nó giúp tôi đạt được phong cách sống mình mong muốn. Và tận dụng được những kỹ năng mà tôi đã rèn luyện được trong quá trình lớn lên.

Cụ thể, khi ra trường, tôi bắt đầu với công việc bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Đơn giản bởi lúc đó tôi mới ra trường. Tôi muốn ở lại Hà Nội. Tôi cũng muốn được làm ở một bệnh viện lớn – Sinh viên mới tốt nghiệp nào cũng mơ giấc mơ này. Và điều quan trọng, sau khi học sĩ quan xong, vào 30/12/2014, thì chẳng còn lớp định hướng chuyên khoa nào cho tôi theo học cả.

Tôi may mắn được thầy Nguyễn Gia Bình và cô Diễm Tuyết nhận vào học việc tại Khoa. Nhưng sau 5 tháng liên tục dậy từ 6 giờ sáng và ra về lúc 10 rưỡi đêm. Có những hôm trực thì xuyên đêm suốt thâu sáng, đến tận 12 giờ trưa hôm sau mới được ra nghỉ. Tôi cảm thấy có gì đó KHÔNG ỔN.

“Đây có phải là cuộc sống mình mong muốn không?” Tôi nhiều lần tự hỏi mình như vậy.

Và tôi cũng chia sẻ với bạn gái của tôi lúc đó.

“Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi anh. Anh mới đi làm mà” Cô ấy an ủi tôi.

Tôi ậm ừ. Nhưng khi nghĩ tới những anh chị, thầy cô ở trên Khoa thì tôi biết rằng, cuộc sống của tôi 10 năm hay 20 năm nữa vẫn sẽ như vậy.

“Đây không phải là cuộc sống mà mình muốn” Tôi cứ tự dằn vặt mình như vậy trong nhiều tuần.

Tôi tự hỏi “Mình cảm thấy hạnh phúc nhất khi nào?”

Thật sự là không khó để có câu trả lời.

Tôi muốn sống cuộc đời tự do về tiền bạc, thời gian, và địa lý. Ở nơi đây tôi không có cả ba thứ này. Có thể nó sẽ là lý tưởng với ai đó khác. Nhưng với tôi thì không phải. Tôi cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng là khi được đứng lớp chia sẻ cho các bạn sinh viên y dược về cách HỌC NHÀN MÀ HIỆU QUẢ (How use your head – HUH). Điều mà tôi đã làm suốt từ năm thứ ba đại học.

Và có lẽ Luật hấp dẫn là có thật!

Khi ta tìm thì sẽ thấy.

Khi có câu hỏi, câu trả lời sẽ xuất hiện.

Tình cờ trong quá trình học việc tại Khoa Hồi sức tích cực, tôi đã được gặp và hướng dẫn cho anh Quang. Một bác sĩ đã ngoài 50 tuổi, làm tại BV Ung bứu Nghệ An. Anh ra học thêm hồi sức bởi Bệnh viện có đề án thành lập khoa Hồi sức tích cực.

Nhờ việc nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ anh trong quá trình anh học tập tại Khoa. Chúng tôi đã quý mến nhau.

“Anh xem gì đấy” Tôi tò mò khi thấy anh Quang cứ lướt lướt cái điện thoại.

“Chú lại đây. Anh cho xem cái này.

Đây, anh đi học ngoài này, nhưng vẫn kiểm soát được mọi thứ. Tất cả đều trên cái điện thoại này”. Tôi nhìn thấy hoạt động của phòng khám thông qua các camera online.

Tôi mừng rỡ “Đây đúng là cái mình đang theo đuổi rồi. Tất cả mọi thứ ở trên chiếc điện thoại. Mình đi đâu cũng kiểm soát được”.

“Cuối tuần này chú về nhà anh chơi, tham quan cho biết” Anh ngỏ ý mời.

“Vâng ạ. Tuyệt quá” Tôi đồng ý ngay.

Hai ngày ở nhà anh Quang là một trải nghiệm tôi không bao giờ quên. Quá tuyệt vời. “Đây chính xác là cuộc sống mình đang theo đuổi. Tự do về thời gian, tiền bạc và địa lý”.

Khi tròn 6 tháng học việc, tôi xin phép thầy Bình và cô Diễm Tuyết được nghỉ học việc tại Khoa. Tôi nộp hồ sơ chuyển sang làm chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Nơi đã cho tôi tất cả những thứ như bây giờ. Ban giám đốc Bệnh viện đã luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong quá trình công tác, cũng như thực hiện đam mê của mình. Tôi biết ơn nơi đây.

Khi làm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, tôi nhận thấy tài chính của mình tốt hơn. Thời gian cũng không còn eo hẹp như lúc làm hồi sức tích cực nữa. Nhưng tôi cảm thấy vẫn bị gò bó ở mặt địa lý. Tôi vẫn không thể di chuyển tự do. Tôi vẫn phải có những buổi trực cuối tuần, trùng với những lớp học mà tôi đứng chia sẻ.

Cùng một vài lý do khác bên lý nữa, tôi quyết định xin Ban giám đốc cho phép mình chuyển sang Khoa Thăm dò chức năng, để làm nội soi tiêu hóa. Đây là nơi tôi thấy mình hạnh phúc, bởi tình đoàn kết và môi trường làm việc chan hòa đầy yêu thương của mọi người dành cho tôi. Và quan trọng, ở đây có anh Hiền – Trưởng khoa – là người hiểu, đồng cảm và ủng hộ cho tư tưởng của tôi. Ở đây, chúng tôi cũng không phải trực đêm tại Bệnh viện, mà chỉ khi có bệnh nhân vào nội soi cấp cứu, thì mới phải đến bệnh viện. Và thường các anh ở gần bệnh viện sẽ hỗ trợ mọi người. Tôi yêu nơi này, và những con người ở đây. Anh chị ấy luôn tươi cười và nghĩ cho bệnh nhân đầu tiên.

Nhưng tôi tin vẫn sẽ có một vị trí làm việc nào đó, giúp tôi có thể tự do được cả về địa lý nữa. Nơi mà tôi có thể làm việc – hoàn thành nhiệm vụ ở bất kỳ đâu – thông qua Internet.

Và khi cơ hội đến, tôi chớp lấy ngay.

“Đây là sở trường của mình mà. Thậm chí mình có thể làm tốt hơn chị này” Tôi quyết định như vậy khi đang ngồi tham dự lớp học về Quản lý chất lượng bệnh viện, do phòng Quản lý chất lượng (QLCL) tổ chức ở hội trường Bệnh viện.

Cuối buổi học, tôi đến cảm ơn chị giảng viên (người Sài Gòn) và anh Phương – Trưởng phòng QLCL Bệnh viện. Rồi tôi lên thẳng tầng 7, gặp cô Trinh – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ – để đề đạt nguyện vọng muốn làm kiêm nhiệm tại phòng Quản lý chất lượng.

Rất nhanh chóng, chỉ vài tuần sau, tôi đã có quyết định làm việc 50/50 buổi sáng tại Khoa Thăm dò chức năng, buổi chiều tại phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện.

Tôi biết ơn Ban giám đốc. Và cũng biết ơn anh Hiền, anh Phương đã luôn cổ vũ, ủng hộ tôi theo đuổi khát vọng của mình.

Sau 6 tháng làm việc kiêm nhiệm, anh Phương gợi ý muốn tôi làm toàn thời gian ở trên phòng QLCL. Tôi đồng ý. Và giờ đây tôi có cuộc sống như mình mơ ước – tự do (về thời gian, tiền bạc, địa lý). Tôi vẫn có thể hoàn thành công việc thông qua Internet nếu tôi có sự vụ cần đi xa.

Tôi chia sẻ hành trình trên của mình. Không phải để khoe khoang. Hay cũng không phải để các bạn dè bĩu tôi “Đúng là đứng núi này trông núi nọ”, hay “Cả thèm chóng chán”.

Đến bây giờ, sau gần 4 năm tôi vẫn làm việc tại phòng QLCL Bệnh viện. Và đi chia sẻ – tập huấn cho các bệnh viện trong Sở Y tế Hà Nội về công tác quản lý chất lượng bệnh viện. Tôi yêu công việc này.

Tôi kể ra công chuyện của mình, để nhằm minh họa rõ nét nhất cho Thuyết bàn tay (hand theory) của tôi.

Tôi theo đuổi phong cách sống (tự do), chứ không theo đuổi vị trí việc làm.

Để tôi minh họa rõ hơn bằng câu chuyện của anh bạn tôi. Anh ấy yêu thích chuyên ngành Tim mạch. Từ năm thứ tư Đại học y Hà Nội, anh ấy đã xin tham gia là đề tài cùng các thầy ở Viện Tim mạch quốc gia. Khi tham dự kỳ thi bác sĩ nội trú, anh ấy cũng đăng ký nguyện vọng bác sĩ Tim mạch. Trớ trêu, anh ấy trượt. Đi xin việc làm sau tốt nghiệp, anh ấy cố tìm đến những nơi tuyển bác sĩ Tim mạch, nhưng đều không được. Anh ấy chấp nhận về làm bác sĩ chuyên khoa Hô hấp tại Bệnh viện phổi Hà Nội. Ước mơ được làm bác sĩ Tim mạch trong anh vẫn chưa nguôi ngoai. Khi mà mọi thứ dường như thuận buồn xuôi gió để anh cất cánh tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, thì anh lại xin nghỉ. Bởi vì có một Bệnh viện khác nhận anh vào làm bác sĩ Tim mạch. Anh hào hứng chuyển công tác. Và sau 6 tháng thì anh đành xin nghỉ, bởi anh cảm thấy môi trường ở đó không phù hợp với anh. Anh quyết định thi và đi học cao học Nội khoa, để sang Pháp du học 1 năm. Và sau khi đi Pháp về, anh nộp hồ sơ làm giảng viên Bộ môn Y học gia đình của Trường Đại học Y Hà Nội. Khi hai anh em gặp nhau trò chuyện, anh cảm thấy tiếc những cơ hội đã bỏ qua, chỉ bởi cứ khăng khăng ở cái vị trí việc làm – bác sĩ Tim mạch. Để rồi cuối cùng, giờ đây anh cũng không làm bác sĩ chuyên khoa Tim mạch.

Tôi mong rằng, qua câu chuyện của tôi và anh bạn tôi. Bạn đã hiểu rõ hơn Thuyết bàn tay (hand theory) và cách áp dụng nó cho việc định hướng nghề nghiệp tương lai của mình.

Hãy chọn phong cách sống, đừng chọn vị trí việc làm” – Bs. Lê Trọng Đại

Hãy tưởng tượng, nếu con kiến cứ cố chấp phải bám lấy một ngón tay nào đó. Nó sẽ cảm thấy khó chịu lắm khi bỏ ra đến đầu ngón tay mà không thể đi tiếp nữa. Nó lại luẩn quẩn, bò ra bò vào ở cái ngon tay đó, mà trong lòng đầy uất ức.

Ngược lại, nếu nó hiểu được, cái nó hướng tới là phong cách sống (là lòng bàn tay). Thì việc thử bò ra ngỏ cái, rồi ngón trỏ, ngón giữa … với nó cực kỳ thoải mái. Nếu nó thấy phù hợp ở ngón nào. Nó sẽ dừng lại ở ngón tay đó. Miễn sao thỏa mãn được phong cách sống mà nó muốn.

“Vậy làm sao để tìm được phong cách sống mà tôi muốn?”

Có thể bạn đang băn khoăn điều đó.

Cũng dễ hiểu thôi. Bởi chúng ta đâu có được dạy – hướng dẫn về phong cách sống đâu. Chúng ta liên tục được hỏi – bị hỏi về vị trí việc làm mà.

Để hiểu rõ những gợi ý về phong cách sống – giá trị  mà mỗi con người đang theo đuổi. Bạn có thể tìm đọc sách Sống trọn cùng đam mê của tôi(do NXB Lao động ấn hành, Thái Hà Books phát hành tháng 12/2018), cũng như quyển sách Làm chủ tư duy thay đổi vận mệnh của Adam Khoo. Tôi viết rất cuốn hút và cô đọng chỉ trong khoảng 150 trang, để những người đã tốt nghiệp, những người lười đọc cũng sẽ muốn đọc để LÀM CHỦ CUỘC SỐNG của họ, và sống cuộc đời trọn vẹn ý nghĩa.

Tóm lại, khi nhắc đến Thuyết bàn tay (hand theory) bạn hãy nhớ đến:

  1. Phong cách sống (Style)
  2. Vị trí việc làm (Site)

Và tự nhắc mình “Tôi chọn phong cách sống, không chọn vị trí việc làm”. Đừng để bình tự trói buộc – tự giới hạn trong quan điểm “Tốt nghiệp trường nào, ra trường phải làm nghề đó”. Bởi khi bạn chọn đại học, bạn cũng chẳng hiểu tại sao mình lại chọn cái trường đó.

Tác giả, bác sĩ: Lê Trọng Đại

/p>
Định hướng chuyên khoa bs đại
Định hướng chuyên khoa bs đại
Định hướng chuyên khoa bs đại

Nếu bạn là sinh viên trường y dược, và đang tìm cho mình hệ thống phương pháp để học nhà hiệu quả tại trường y dược, đạt học bổng, và có nhiều thời gian để theo đuổi đam mê riêng. Thì dưới đây là một số món quà Bs Đại dành riêng cho bạn:

  • Sổ tay hướng dẫn học nhàn mà hiệu quả tại trường y dược. Tải sách ở đây
  • Sách BỨT TỐC – Cẩm nang giúp sinh viên y dược học nhàn mà hiệu quả. Tải sách ở đây.
  • Sách Học Nhàn Mà Hiệu Quả (NXB Lao động, 2019). Tải bản ebook của sách ở đây
Chia sẻ bài viết này
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thực hiện phép tính (chống spam) *

0981.81.51.68
1
Bạn cần hỗ trợ?
Chát với chúng tôi