Hôm nay, 08h08 ngày 04/4/2020, tôi hạnh phúc khi nhận được tin nhắn của chú Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch cty Sách Thái Hà (Bạn có thể đọc ở dưới). Trong quá trình hợp tác xuất bản sách với cty Sách Thái Hà 2 năm qua, tôi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các anh chị trong đội ngũ xuất bản, nhưng vẫn chưa có dịp nào được gặp gỡ và trò chuyện với chú Mạnh Hùng. Hôm nay, chú có chia sẻ bài viết, cũng xem như là câu hỏi dành cho tôi. Tôi nghĩ mình có trách nhiệm giúp mọi người hiểu rõ hơn về các nguyên lý trong Sách HỌC NHÀN MÀ HIỆU QUẢ và cách ÁP DỤNG nó vào cuộc sống. Hãy nhớ! Áp dụng nó vào cuộc sống, nghĩa là cả ở trên trường lớp và trong trường đời – ý tôi là như vậy.
Keyword: Học nhàn mà hiệu quả, Speed learning, How to use your head, HUH Online, Sơ đồ tiềm thức (Submap), ứng dụng học nhàn mà hiệu quả, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Thái Hà Books, Sách Thái Hà, Bs Lê Trọng Đại.
Cháu cảm ơn chú Mạnh Hùng đã chia sẻ và đặt câu hỏi về chủ đề HỌC NHÀN MÀ HIỆU QUẢ.
Nếu hơn 10 năm trước, có lẽ cháu cũng sẽ giống đa số mọi người, đều không bao giờ nghĩ tới khái niệm này, chứ đừng nói là tin.
Sau những điểm số bết bát ở trường ĐH Y Hà Nội, cháu nghĩ năng lực của mình có vấn đề. Nhưng phần nào đó trong thâm tâm vẫn còn chút ký ức: “Ngày xưa mình từng nằm trong top đầu của khối ở THPT mà, toàn điểm 9, 10 thậm chí 10+”. Nhưng điều đó là càng làm cháu xót xa hơn khi nhìn vào thực tại toàn điểm 5, 6.
Bs Đại tin rằng, nhiều anh chị độc giả đã từng ở “đỉnh cao” rồi giờ đây rớt xuống “vực thẳm” sẽ hiểu được cảm giác lúc đó của Bs Đại. Cảm giác đó còn tệ hơn nữa khi một mình ngồi ở giữa sân trường trong đêm vắng, ở giữa lòng Hà Nội xa lạ.
Lúc đó may mắn thay cháu còn nhớ được lý do mình chọn học Y Hà Nội chứ không phải Kinh tế quốc dân. (1) Đó là vì hình ảnh của ông nội đau quằn quại đến lúc mất khi cháu học lớp 7. Đứng nhìn ông đau mà chẳng biết làm gì ngoài việc bóp chân bóp tay cho ông. Tự hứa sau này sẽ làm bác sĩ để người thân bị đau ốm mình có thể làm được gì đó chứ không chỉ là đứng nhìn trong bất lực thế này. (2) Đó là vì lo nghĩ cho bố mẹ. Không thể vì mình, vì xin việc cho mình mà bán hết nhà cửa. Những cái ngày cuối cấp 3 đó. Lúc nào cháu cũng nghe bố mẹ kể: “Nhà ông A vừa bán mảnh đất để xin việc cho con vào ngân hàng X”. Cháu không muốn điều đó. Xem trên tivi, thi thoảng đài truyền hình lại nêu gương một anh chị nào đó cùng một lúc học 2 trường đại học, tự chăm lo cuộc sống. Cháu cũng muốn mình làm được vậy. Không muốn mình trở thành gánh nặng của bố mẹ, của gia đình. Vậy mà ở thời khắc đó. Điểm số của cháu chỉ toàn 5, 6, 7, dù đã thức đến 1 – 2 giờ sáng. (3) Đó là bởi vì tính “sĩ diện”, “hãnh diện” của tuổi mới lớn. Muốn thi và học ở trường thuộc top để chứng tỏ cho bạn bè thấy mình giỏi, để lắng nghe những tiếng trầm trồ ngợi khen từ tụi bạn cấp 3. “Nhưng mày nhìn mà xem, lũ bạn cấp 3 mà biết điểm của mày thế này. Chúng cười cho thối mũi” Cháu luôn tự dằn vặt mình như vậy. Và đó là lý do luôn từ chối tụi nó khi chúng bạn rủ đi gặp mặt.
Nhiều lần cháu định bỏ ngang, thi lại đại học. Vì nhìn thấy thằng bạn thân ở cấp 3 học bên Ngân hàng, tuần học 3 buổi (chính xác là 3 buổi, không phải 3 ngày), còn cháu tuần học 7 ngày x 3 buổi (sáng – chiều – tối khuya) – 1 tối thứ 7 giảng đường/thư viện đóng cửa = 20 buổi. Mà điểm số thì tệ hại đến không chấp nhận được. “Mình sẽ thi lại. Không thể thế này được”. Nhưng rồi may mắn thay, hình ảnh bố mẹ sẽ phải bán hết nhà cửa để xin việc, hình ảnh ông nội đau đớn mà mình chỉ đứng nhìn và rớt nước mắt, đã giữ cháu đi tiếp. “Nếu đi tiếp, mình phải làm gì đó khác đi. Chứ nếu cứ thế này, hơn 5 năm nữa, sao mà chịu được”.
Lúc đó cháu cũng chẳng biết phải làm gì khác. Kiểu ngựa quen đường cũ, cấp 3 đậu vào đại học là nhờ thức khuya dậy sớm. Có nhiều ngày thức xuyên đêm để làm bất đẳng thức, để giải một bài hình học hay đọc xong quyển sinh học mượn của bạn. Vậy là cháu lại tự nói với mình “Có lẽ mình thức chưa đủ khuya, học chưa đủ chăm”. Có lẽ chú biết cháu sẽ thức khuya hơn rồi đấy. Nhưng may thay, cháu lại tự hỏi: “Ôn đại học thì chỉ có 1 năm cuối thôi, mình có thể ráng sức chịu đựng. Đàng này, còn hơn 5 năm nữa đấy, làm sao mà chịu nổi đây”. Dù biết vậy nhưng cũng đâu còn cách nào khác. Lúc đó, tâm trí cháu hạn hẹn vậy, như người cận thị chỉ nhìn thấy được một khoảng ngắn trước mắt, và cố mò mẫn trong cái khoảng chật hẹp đó.
Rồi một hôm, đứa bạn cùng phòng trong ký túc xá đi đâu về, tay nó che che giấu giấu một quyển sách. Nó tên là Nam. Rất thông minh, hoạt bát, hỏi gì cũng có thể đưa kiến thức khoa học vào để trả lời được. Thằng này bình thường rất hào sảng, có gì cũng chia sẻ cho anh em trong phòng. Nay nó lại có thái độ lạ thường. Cháu thắc mắc “Ê Nam, mày có cái gì đấy. Sao phải dấu vậy. Đưa tao xem nào”. “Cái này tụi mày tránh xa nha” Nó đáp lại. Điều này lại càng làm cháu tò mò, khát khao hơn. Một lúc sau, nó có điện thoại và phải chạy ra ngoài. Thằng này được cái đào hoa, ga lăng, con gái xung quanh nhiều lắm. Tranh thủ lúc nó ra ngoài, cháu chạy lại xem cái khỉ gió đó là gì. “HƠN NHAU Ở CÁI ĐẦU” Tên của quyển sách đó là như vậy. Đó là một quyển sách mỏng, khổ A4, do nhà xuất bản Hà Nội phát hành. Tên tiếng Anh của nó là Use Your Head. Sau này có nhiều đơn vị khác phát hành. Cháu lượt thật nhanh “Ôi, đây chính là cái mình cần”. Sợ nó quay về sẽ phát hiện, cháu ghi lại tên sách và tên tác giả: Tony Buzzan – Một cái tên có lẽ quen thuộc với nhiều anh chị đam mê về cách ghi nhớ.
Tối hôm sau, cháu lên đường Láng để tìm quyển sách này. Cháu vỡ òa và choáng ngợp, có hàng chục quyển sách khác nhau về chủ đề: Làm thế nào để học tập hiệu quả ở trường lớp. “Vậy mà lâu nay mình không biết. Từ nay, ngày nào cũng phải lên đây để đọc” Cháu quyết tâm vậy, và đã làm được. Thật sự lúc đó cháu rất áy náy, vì mình cứ đọc mà chỉ mua được vài quyển. Bởi có đến 50 – 70 quyển khác nhau về chủ đề này. Và cháu không đủ tiền để mua hết. (Nhưng bây giờ, cháu chẳng có gì ngoài sách, cả ngàn quyển ở bên cạnh).
Hôm nay viết bài này chia sẻ với chú, cháu cũng nhận ra, có lẽ chính nguồn lực giới hạn này (không mua được sách, mỗi tối đọc 3 – 5 quyển, và buộc phải ghi nhớ chứ không thể viết, ghi chép lại, nó cũng đã thúc đẩy khả năng học hỏi lúc đó của cháu).
Hành trình cháu đi tìm và xây dựng hệ thống HỌC NHÀN MÀ HIỆU QUẢ còn dài dài và gian nan lắm. Cháu cứ nghĩ mình đã có phương pháp Tony Buzan và nhiều tác giả nổi tiếng khác, thì điểm số học kỳ 2 sẽ khác đi. Bước vào phòng thi căng tràn tự tin. Ra khỏi phòng thi với lòng đầy hy vọng. Về nghỉ hè và mong chờ điểm thi từng ngày để bạn bè trong lớp đại học thấy mình không kém cỏi. Nhưng mà, cuộc sống nó vậy đấy. Học kỳ 1, điểm tổng kết của cháu là 6,78 gần bét lớp. Học kỳ 2, tổng kết là 7,2. Nhìn con số thì có vẻ tăng đấy. Nhưng khi nhìn sang xung quanh. Nhiều bạn học kỳ 1 thấp điểm hơn cháu, sang học kỳ 2, các bạn ấy đã đạt học bổng rồi. Và đa số mọi người đều điểm cao hơn. “Cái gì vậy. Không thể nào” Cháu cầm quyển sách dạy cách học chọi thẳng vào tường “Toàn là lừa đảo, chém gió hết”. Cháu mất niềm tin vào những tác giả, những quyển sách đó.
Nhưng cũng chính thời gian đó, cháu đang quyết tâm học ngữ pháp tiếng Anh trên một diễn đàn online English Time Forum. Trên này có một người thầy với nickname là Cuckoo rất nhiệt tình. Cháu được biết thầy ấy đã về hưu nhiều năm, lúc đó năm 2009 đã ngoài 60 tuổi rồi, mà vẫn tỉ mẩn hàng ngày lên trả lời từng câu hỏi ngữ pháp của các em học sinh cấp 3. Cháu có inbox cho thầy Cuckoo và tự hứa với mình sẽ cố gắng trong 6 tuần hè thành thạo ngữ pháp để hỗ trợ thầy giải đáp cho các em. Và kỳ lạ thay, cháu đã làm được. Đúng 6 tuần. Bằng cách nào ư? Bằng những mẹo và cách học hoàn toàn mới. Để cháu vắn tắt ra đây cho chú nắm được một vài ý tưởng ạ.
Hãy tưởng tưởng, nếu tình cờ chú gặp một anh A ở cổng trường, sau đó lại gặp anh ấy ở thư viện, rồi lên nhà ăn cũng gặp, ra sân bóng lại gặp nữa … Chú sẽ tò mò “Lão nào là tên quái nào vậy nhỉ?” và bằng một cơ chế bí ẩn nào đó. Chú sẽ nhớ được anh A này, có được cái nhìn bao quát về thói quen, sở thích … về anh ta. Thay vì cứ cố gắng cầm một tập giấy A4 để đọc về con người anh ta như thế nào.
Ở đây có mấy khái niệm mới mà cháu đề cập tới (1) Đọc đồng chủ đề (2) Học dựa trên vấn đề: Câu hỏi có trước – câu trả lời sẽ tự động theo sau.
Cháu phát hiện ra, mỗi người có một tâm trạng (tần số cảm xúc) khác nhau khi viết sách. Dù vẫn là chủ đề đó, nhưng khi viết mỗi tác giả có một tâm trạng khác nhau. Và ta đọc nhiều tài liệu cùng lúc giống như ta đang rà tín hiệu đài FM vậy. Sẽ có một tác giả nào đó gần với tâm trạng cảm xúc của mình lúc đó, và khi đó, ta đọc rất vào. Cái này, cháu đặt tên là Đọc so sánh ngang.
Lúc còn “ngây thơ”, cháu cứ thắc mắc: “Mấy ông này cứ vẽ chuyện, đã viết sách rồi, lại còn thu âm Audiobook, quay video bán, làm poster …” Nhưng giờ cháu hiểu tại sao mình phàn nàn như vậy (là bởi lúc đó cháu không có đủ tiền để mua, và cháu khó chịu với chính mình. Thay vì thừa nhận với bản thân, cháu chọn cách đổ lỗi sang cho tác giả). Giờ đây, khoa học đã chỉ rõ, con người tiếp nhận thế giới xung quanh bằng ít nhất 5 giác quan hiện hữu. Và mỗi người sẽ ưu thế ở một giác quan nào đó. Nếu chúng ta phối hợp được càng nhiều giác quan, khả năng tiếp thu sẽ càng tăng lên.
Một cách hiểu khác nữa, để mọi người dễ nắm bắt hơn. Nếu bạn đứng ở trước nhà, bạn chỉ thấy được mặt trước của căn nhà. Đó là cái nhìn phiến diện và bạn sẽ không thể hiểu hết – hiểu sâu được căn nhà. Nhưng nếu bạn đứng ở bên hông phải, hông trái, sau nhà, và vào cả bên trong nữa. Bạn sẽ có cái nhìn toàn diện về ngôi nhà. Vì vậy, hãy tối đa kênh tiếp nhận.
Có thể mọi người sẽ băn khoăn “Như vậy thì xem ra tốn nhiều thời gian hơn ấy chứ”. Cháu tin chú sẽ không thắc mắc thế này. Nhưng một số người khác sẽ thắc mắc như vậy. Nên cho phép cháu giải thích thêm ạ. Quá trình tư duy trong não bộ cực kỳ nhanh. Ở trên là do Bs Đại cố gắng tách ra từng bước để giải thích cho mọi người, nên mới cảm thấy lâu và chậm như vậy.
Khi đọc đồng chủ đề và tiếp thu đa kênh, nó sẽ tạo ra sự hứng thú để học hỏi thêm. Và đặc biệt có cái nhìn bao quát hơn. Ví dụ, cùng chia sẻ về hệ tiêu hóa, nhưng Bộ môn Sinh lý sẽ quan tâm tới vấn đề khác, Bộ môn Hóa sinh lại quan tâm tới vấn đề khác; bộ môn Vi sinh lại quan tâm tới chủ đề khác. Cái quan trọng ở nơi này, lại bình thường ở nơi kia. Và người học, dưới góc quan sát tổng thể sẽ thấu hiểu và nắm bắt tất cả. BỞI! Ta là người học thì thường bỏ qua những thứ kém quan trọng. Nhưng khi đọc đồng chủ đề, học ở nhiều góc nhìn, tất cả sẽ đều trở nên quan trọng, và lúc đó, chúng ta sẽ tiếp thu tốt hơn vì ta coi trọng nó hơn.
Một chút chút gợi mở như vậy, mong rằng chú và các bạn độc giả sẽ bắt đầu có cái nhìn mới về khái niệm HỌC NHÀN MÀ HIỆU QUẢ. Nếu ta tin là có, ta sẽ đi tìm, và sẽ thấy. Còn nếu ta phủ nhận, dĩ nhiên, ta sẽ bỏ ngang và cả đời sẽ không tin là nó có tồn tại.
Thực sự thì hành trình hơn 10 năm qua, chia sẻ và hướng dẫn cho các thế hệ sinh viên y dược cách HỌC NHÀN MÀ HIỆU QUẢ, cháu gặp khá nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng những ai đã từng tìm hiểu, từng học thì hết mực ủng hộ cháu. Vậy nên, cháu thấy hành trình này giống với việc thay đổi tư duy, thay đổi văn hóa hơn là thay đổi cách làm. Cháu sẽ gửi tặng chú quyển Dám khác biệt, dám dẫn đầu (do NXB Lao động ấn hành 2018), cùng với quyển Học nhàn mà hiệu quả, nó sẽ giúp chú hiểu thêm về ý tưởng của cháu ạ.
Cháu cảm ơn chú và bạn đọc.
Bác sĩ: Lê Trọng Đại
P/s: Câu chuyện về việc đọc trộm sách của Nam cũng có cái kết đẹp. Sau này, kỳ 1 năm thứ 3 đại học, ngày 11/11/2010, cháu mở lớp chia sẻ cách học nhàn mà hiệu quả và đặt tên nó là HOW TO USE YOUR HEAD (tên tiếng Việt lúc đó gây tranh cãi ở trường cháu khá nhiều: HƠN NHAU Ở CÁI ĐẦU). Cháu đặt vậy để tri ân quyển sách và tác giả Tony Buzan. Và Nam – cậu bạn cháu đọc sách trộm – sau này trở thành học trò của cháu trong lớp HUH. Còn nhiều bạn sinh viên phản đối ý tưởng của cháu, khi học tập vất vả, đã tìm đến cháu, trở thành học trò của cháu và đã nhiệt tình quảng bá HUH tới mọi người. Đến bây giờ, cháu đã giúp cho hơn 15 ngàn sinh viên ở khắp các trường y dược trên cả nước học nhàn mà hiệu quả. Các bạn học viên của cháu thường nằm trong top đầu của lớp, của khóa, và đỗ cao trong các kỳ thi quan trọng. Và điều tuyệt vời hơn cả là các bạn ấy có nhiều thời gian rảnh để theo đuổi những đam mê riêng của mình. “Cuộc sống đâu chỉ có siêu âm, đâu chỉ có khám chữa bệnh. Cuộc sống còn nhiều điều thú vị nữa đang đợi ta khám phá, tìm hiểu” – Đây là câu nói mà thầy cháu, Bs. Nguyễn Quý Khoáng đã dành tặng cháu để cổ vũ và ủng hộ cho những gì cháu đã và đang làm.
P/ss: Xin được gửi tặng anh chị Ebook: Cẩm nang HỌC NHÀN MÀ HIỆU QUẢ. Anh chị tải về ở đây ạ. Bs Đại viết dành tặng các em sinh viên y dược, nhưng bất kỳ ai ham học hỏi, cầu thị sự tiến bộ đều sẽ học được rất nhiều từ quyển Cẩm nang này.