“Người đi trước cần điều gì ở người đi sau ạ?”
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ câu hỏi này từ một bạn sinh viên y khoa hỏi tôi. Ở thời điểm đó, tôi mới tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, và đi làm trong bệnh viện công lập.
Là một đứa thích nghĩ khác và luôn làm mọi việc theo ý mình. Nhưng tôi vẫn luôn chú ý tới việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, đặc biệt là các tiền bối. Với mong muốn cuộc sống của mình được thuận lợi nhất.
Ở thời điểm đó, tôi chỉ có 2 bí quyết duy nhất trong việc xây dựng mối quan hệ với người đi trước (các sếp, các anh chị). Và tình cờ, nó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi trên của em sinh viên y khoa.
“Người đi trước cần ở em 2 thứ: (1) Nhiệt huyết (2) Đáng để tin”
Giờ đây, khi đã trải đời nhiều hơn. Kinh qua nhiều thăng trầm hơn. Tôi hiểu rằng chỉ 2 điều trên thôi thì chưa đủ.
Nhớ lúc còn công tác ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Bệnh viện Hạng I của Thành phố Hà Nội), dù tôi luôn nhiệt huyết với những dự án đổi mới của bệnh viện, luôn làm được việc, hoàn thành các kế hoạch do mình khởi xướng. Nhưng cũng chính điều đó đã nuôi dưỡng sự kiêu ngạo trong tôi. Lúc đó tôi đâu nhận ra, đâu chịu thừa nhận là mình đang kiêu ngạo. Không ít lần trong các cuộc họp, tôi đã làm bẽ mặt sếp lớn vì khăng khăng với ý kiến của mình. Tôi cho rằng mọi người chậm tiến, không đủ tầm nhìn để hiểu được ý tưởng của tôi. Kết thúc cuộc họp mà chẳng đến được đâu. Tôi chửi thề. Nhưng tôi không biết rằng, điều đó không đẹp lòng sếp.
Bạn đừng bao che cho con người tôi thời điểm đó, rằng “Cơ quan nhà nước mà. Ra tư nhân sẽ khác thôi anh”. Không! Ở đâu cũng vậy bạn ạ! Cái tối thiểu trong giao tiếp, và đặc biệt là trong giao tiếp với sếp, với cấp trên chúng ta phải giữ được. Nếu đi quá ranh giới đó, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự nghiệp cuộc đời mình đấy. Dĩ nhiên, sau những trải nghiệm đó, giờ đây tôi đã khôn ngoan hơn.
Tôi dành thời gian và tâm huyết để chia sẻ những bài học này với một mục đích duy nhất: Giúp bạn thành công nhanh hơn và xa hơn. Và thông điệp mà tôi gửi gắm ở đây là: Được lòng sếp như đẹp lòng bố mẹ vậy. Bạn muốn gì cũng được (miễn là trong khả năng của sếp, của bố mẹ), và con đường sự nghiệp của bạn sẽ rộng mở.
Đừng lo lắng! Tôi không ở đây để bảo bạn khom lưng quỳ gối, hay luồn cúi. Tôi biết bạn là người chính trực ngay thẳng, muốn tiến thân bằng năng lực của chính mình. Và dĩ nhiên rồi, đó chính là điều tôi sẽ chia sẻ bạn ngay sau đây.
Bạn đã sẵn sàng rồi chứ?
Bắt đầu hành trình học hỏi nào!
Dr. Timothy Zahar
ĐỌC THỬ SÁCH Ở DƯỚI ĐÂY