DINH DƯỠNG THƯỜNG THỨC

DINH DƯỠNG THƯỜNG THỨC

LỜI NÓI ĐẦU

Xin chào bạn!

Tôi là bác sĩ Lê Trọng Đại, và tôi rất hạnh phúc khi được chia sẻ cùng bạn.

Liệu bạn có tin rằng chàng trai khôi ngô trong bức ảnh trên lại đang gặp “vấn đề báo động về sức khỏe không?

Có lẽ đa số các bạn sẽ không tin cậu ta lại đang có vấn đề về sức khỏe.

Và chính tôi cũng vậy. Tôi không tin rằng mình đang có vấn đề về sức khỏe. Bạn không nghe nhầm đâu, chàng trai trong bức hình đó chính là tôi.

Lúc đó tôi có đầy đủ lý do để tin rằng mình là hình mẫu cho một cơ thể khỏe mạnh:

  • Cao 176cm, nặng 70Kg. Số đo ba vòng lần lượt là 98 – 82 – 100cm.
  • Ăn uống điều độ và lựa chọn cẩn thận những thứ “đưa vào” trong cơ thể mình. Tôi không ăn thức ăn nhanh (fast-food), cũng không hàng quán với những món tây tây (kiểu chiên, nướng …) mà mọi người thường tụ tập mỗi khi có dịp gì đó để ăn mừng. Không rượu bia, không thuốc lá, không đồ uống có ga.
  • Tập thể dục, luyện thể lực là một trong ba ưu tiên hàng đầu của tôi mỗi ngày dù có bận rộn thế nào (gồm thể dục, đọc sách, suy ngẫm cuối ngày). Sau khi thức dậy lúc 6h sáng, tôi sẽ có 15 – 30 phút dành riêng cho cơ bắp của mình.

À! Suýt quên. Tôi thật sự không hoàn hảo như vậy. Vẫn có một vấn đề đó là thức khuya. Tôi thường ngủ lúc 0h30 sáng (đôi lúc là 1h sáng). Tất nhiên, lúc đó tôi không nghĩ đó là vấn đề. Và tôi sẽ tiếp tục nghĩ như vậy, cho đến một ngày …

Cuộc sống này có lẽ cũng vận hành kiểu vậy. Khi chúng ta đã tin tưởng vào một ai đó, vào một cái gì đó, sẽ rất khó để lay chuyển niềm tin ấy. “Anh ấy là người tốt”, “Ăn cái này tốt cho sức khỏe của cậu đấy”, “Làm việc như thế này mới hiệu quả này” … Phải đến khi có một biến cố đủ lớn, đủ phũ phàng “tát thẳng vào mặt”, thì may ra chúng ta mới bắt đầu hoài nghi và suy xét lại niềm tin đó.

Bệnh tật có lẽ cũng vậy. Nó không xuất hiện theo kiểu “BOOM” một cái, như vụ nổ để mà tất cả chúng ta cùng chú ý. Mà nó luôn diễn tiến âm thầm, từ từ đến mức ta không nhận ra nó. Ta vẫn nghĩ mình rất khỏe. Cho đến khi ta cảm nhận rõ ràng sự mệt mỏi thì nó đã quá nặng nề rồi.

… Đó là lần thứ tư liên tiếp trong vòng nửa năm, tôi nhận được cảnh báo các chỉ số mỡ máu (cholesterol, triglycerid) tăng cao vượt ngưỡng quá nhiều.

Còn nhớ, lần đầu tiên cầm tờ kết quả xét nghiệm hóa sinh máu trên tay, tôi bảo với Tuấn: “Này! Cái máy xét nghiệm Bệnh viện mình có vấn đề hay sao ấy nhỉ. Tôi mà mỡ máu cao thì cả viện mỡ máu cao à”. Mặt hắn đang dài thuột vì kết quả creatinin máu cao, đến mức được xếp vào nhóm bệnh nhân suy thận độ 1. Khi nghe tôi nói vậy, hắn đồng tình “Đúng rồi! Máy xét nghiệm đểu, để mai tôi đi viện khác làm lại”. Nhưng hắn vẫn lo lắng “Nhỡ tôi suy thận thật thì sao. Vợ con thì chưa có, tội nghiệp cái thân tôi”. Tuấn làm cùng phòng Quản lý chất lượng với tôi ở bệnh viện. Hắn tốt bụng, chu đáo mọi mặt (có khi hơn cả con gái), đến mức tôi thường bảo “Ông mà là con gái, tôi cưới ông làm vợ luôn”. Chuyện kết quả xét nghiệm của hai đứa chỉ sôi nổi có mỗi hôm đó. Rồi công việc tấp nập, chúng tôi cũng quên luôn cái kết quả xét nghiệm đó. Chẳng đứa nào đi làm xét nghiệm lại. Và dĩ nhiên, như một thói quen, tôi vẫn ăn uống sinh hoạt như lâu nay. Bởi tôi tin mình là hình mẫu cho sức khỏe.

Gần 6 tháng sau, lại đến đợt khám sức khỏe định kỳ tiếp theo cho cán bộ nhân viên bệnh viện. Kết quả của hai thằng vẫn tương tự như vậy. Của tôi vẫn là mỡ máu tăng cao, được ghi chú thêm có nguy cơ cao với các bệnh tim mạch và huyết áp. Tôi thấy nhảm nhí, vì sáng nào tôi cũng tập thể lực (không phải thể dục nhẹ nhàng đâu nhé, mà là thể lực), và luôn cảm thấy sung mãn căng tràn nhựa sống. Tuấn thì vẫn được xếp vào nhóm bệnh nhân suy thận độ 1. Lần này thì hai thằng quen rồi. Chỉ nhìn nhau cười mà thôi: “Đúng là cái máy xét nghiệm đểu mà”. Hai đứa vẫn sống, học tập và làm việc bình thường. Chúng tôi bỏ qua cái kết quả xét nghiệm đó.

Vài hôm sau, có một nhóm bạn đang kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng và mỹ phẩm mời tôi tham dự buổi chia sẻ 2 giờ đồng hồ của họ. Vì trong kế hoạch, sắp tới tôi sẽ chuyển dịch sang mảng làm đẹp nên tôi nhận lời tham dự. Tôi cảm thấy tự hào vì ai ai cũng trầm trồ “Bác sĩ Đại có body chuẩn thế này, chuyển sang làm mảng thẩm mỹ là đúng rồi”. Tôi cười thầm trong lòng: “Không chỉ các anh chị khen đâu. Những người đã gặp em đều khen vậy”. Một lát sau, tôi thấy họ cứ nối tiếp nhau bước lên một cái cân, giống cân điện tử. Người thì hỏi tuổi, hỏi chiều cao. Người thì bấm bấm để cài đặt chiều cao – tuổi vào cái cân điện tử đó. Hết người này đến người kia, tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Tôi đến đây để nghe về sản phẩm làm đẹp và học hỏi mô hình kinh doanh của họ. Một người bước xuống cân, người kia nhìn nhìn vào bảng số điện tử và nói: “Mỡ nội tạng cao nhé…”. Tôi giật mình, cứ tưởng như họ đang nói tôi vậy. Chị bạn tôi bảo “Bác sĩ Đại lại đây, chị cân cho”. “Dáng chuẩn như thế thì chắc các chỉ số đều đẹp cả thôi” Một người khác nói với như vậy. “Để thử coi! Xem cái cân này có gì mà thần kỳ thế, biết được cả mỡ nội tạng cơ chứ. Ở bệnh viện còn phải lấy máu định lượng (đo đếm) trực tiếp mới mong cho ra số liệu, đàng này chỉ trèo lên cân mà đòi biết” Tôi dò xét. Tít tít vài tiếng kêu, chị bạn tôi hí hoáy ghi ghi chép chép: “Á à, trông ngon trai thế thôi, mà không ngon tí nào đâu nhé. Mỡ nội tạng cao ngất đây này”. Tôi chỉ cười. “Đây! Kết quả sức khỏe của bác sĩ đây nhé” Chị ấy đưa cho tôi tờ giấy ghi chép. Lúc ra về, tôi bắt đầu thắc mắc “Quái! Cái máy đó có gì nhỉ? Không hề lấy máu của mình, mà vẫn biết được tình trạng mỡ máu của mình”, mà không hề thắc mắc liệu có đúng là mỡ máu mình có cao thật không.

Sức khỏe của mình không lo, lại cứ nghĩ về cái cân điện tử. Con người kỳ quặc vậy đấy! Cái cần tập trung thì không tập trung, cứ đi dành tâm trí cho cái không liên quan tới mình.

Và như một sự tình cờ. À không! Chính xác là vũ trụ như đang muốn gửi tới tôi một thông điệp gì đó, và tôi đã bắt đầu lờ mờ nhận ra…

Mấy hôm sau, tôi lại nhận lời tham dự buổi chia sẻ của một nhóm kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng và mỹ phẩm khác. Bởi tôi vẫn muốn học hỏi thêm. Một cảnh tưởng gần như tương tự hôm trước lại hiện ra. Ở đây cũng có cái cân điện tử thần kỳ đó. Và dĩ nhiên, ký ức về mỡ máu vượt ngưỡng mấy hôm trước lại tái hiện trong tôi. Tôi chủ động: “Chị cân giúp em với”. Tôi nói với một chị đang chăm chỉ cân cho mọi. “Bác sĩ Đại bao nhiêu tuổi? Cao bao nhiêu?” Chị hỏi tôi. “Em 29 tuổi, cao 176cm”. Tôi lao vào “đòi” được cân với hy vọng sẽ được cười trận cười hả hê: “Cái máy này mới đúng này! Mấy lần trước toàn vớ vẩn”. Sau vài tiếng tít tít, chị ấy bảo tôi “Xong rồi đấy bác sĩ Đại, em xuống đi”. “Để xem nào, chỉ số mỡ nội tạng của em cao đấy, máy báo là 8 đây này. Người bình thường chỉ từ 1 đến 4 thôi”. Tôi tiu ngỉu, cứ ngỡ sẽ được một trận cười hả hê. Vậy mà kết quả vẫn vậy “Tôi có mỡ máu cao”.

“Có cái gì đó không ổn thì phải?” Tôi thắc mắc suốt từ lúc ra về.

“Không thể có chuyện kết quả sai được. Cả 4 lần đều cho cùng một đáp án – Mỡ máu cao”

“Không phải cái máy xét nghiệm hỏng, mà chính là sức khỏe của mình đang hỏng thật rồi”.

Giờ đây nhìn lại, tôi cảm thấy may mắn bởi giây phút đó đã chịu lắng nghe “những dấu hiệu” của vũ trụ…

Chủ đích của tôi là học hỏi mô hình kinh doanh. Nhưng lại nhận được thông điệp cảnh báo rằng sức khỏe đang không ổn. Trong cuộc sống của bạn đã từng trải qua những tình huống tương tự vậy chưa? Chúng ta liên tục nhận được những thông điệp cảnh báo từ cuộc sống “Có gì đó không ổn thì phải”. Nhưng chúng ta lấy lý do bận bịu, tự thuyết phục bản thân “mọi thứ vẫn ổn mà, vẫn chạy tốt mà” … để phớt lờ – bỏ ngoài tai những lời cảnh báo. Tôi mong rằng, từ nay chúng ta sẽ biết lắng nghe những gợi ý từ cuộc sống hơn. Vũ trụ luôn muốn chúng ta phát triển, nên sẽ luôn gửi đến chúng ta những lời nhắc nhở nếu như có gì đó bắt đầu không ổn. Khi mà chúng còn quá “nhỏ bé” đến mức ta chưa nhận ra được.

Bệnh tật dường như cũng giống với thói quen. Chúng hình thành quá từ từ đến mức ta không cảm nhận được. Nhưng khi ta đã cảm nhận được, thì nó lại quá nặng so với sức chịu đựng của chúng ta. Đến nỗi ta trở thành nô lệ của nó.

Sáng hôm sau, như bản năng – có bệnh thì phải tìm cách chữa, tôi đến bệnh viện để hỏi về phương hướng điều trị cho tình trạng mỡ máu tăng cao của mình. Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng với những tư vấn của bác sĩ phòng khám đề xuất: “Anh về ăn ít dầu mỡ thôi, đặc biệt là phải kiêng mỡ động vật và các nội tạng. Anh cũng cần tập thể dục nhiều hơn nữa. Hạn chế uống bia rượu, hút thuốc lá”. Tôi mỉm cười, nhưng trong đầu thì nghĩ: “Chị đùa em à! Em vẫn đang tập thể dục, thậm chí là thể lực mỗi ngày. Không hề rượu bia, thuốc lá, nước chè và cà phê cũng không luôn. Ăn thì đa phần em chọn đồ luộc mà”.

Khi ở vị thế của bệnh nhân thì tôi mới hiểu được rằng, những đồng nghiệp của mình dường như cũng giống hệt mình: CHẲNG CÓ KIẾN THỨC VỀ DINH DƯỠNG.

Trước đây, mỗi khi bệnh nhân hỏi thêm hơn “Gan nhiễm mỡ thế này có nguy hiểm không bác sĩ? Phải uống thuốc gì cho khỏi được ạ?”. Thì tôi thường trả lời “Cháu đã ghi rõ kết quả trong phiếu siêu âm này rồi bác ạ. Chốc nữa bác ra ngoài phòng khám, các anh chị ngoài đó sẽ dựa trên toàn bộ các xét nghiệm để tư vấn cho bác một cách chỉn chu nhất ạ”. Giờ thì tôi biết họ cũng giống hệt tôi. Thảo nào đa số bệnh nhân gan nhiễm mỡ đi khám siêu âm lại chẳng thay đổi gì cả. Bởi họ đâu có biết phải làm gì để thay đổi tình trạng đó đâu.

Những lời tư vấn ở trên, tôi biết những “kiến thức” đó mình và đồng nghiệp có được từ đâu. Đó là những gì còn sót lại (hay còn nhớ được) trong tâm trí sau khi thi hết môn dinh dưỡng học ở năm thứ hai đại học y. Và rồi đồng nghiệp cứ truyền miệng nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác, như một cái máy photocopy mà chẳng thể nói cụ thể hơn, chính xác hơn.

 

(còn nữa)

 

Tác giả, bác sĩ: Lê Trọng Đại

Chia sẻ bài viết này
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thực hiện phép tính (chống spam) *

0981.81.51.68
1
Bạn cần hỗ trợ?
Chát với chúng tôi