Cách để học xuất sắc môn Chẩn đoán hình ảnh?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC XUẤT SẮC
CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH?

C

Với sinh viên y dược thế hệ chúng tôi, chẩn đoán hình ảnh được học tại trường y vào năm thứ 4 đại học.
Vẫn còn nhớ cái cảm giác tò mò, thích thú, cả lớp chúi mũi lên cái màn chiếu mỗi khi thầy dùng một phìm Xquang minh họa cho các tổn thương ở thực quản và dạ dày.
Và cũng nhớ cái cảm giác mông lung, mơ hồ khi thầy mô tả những tổn thương được quan sát qua máy siêu âm.
Thuở sơ khai, chẩn đoán hình ảnh chỉ là những phim Xquang, bắt đầu từ nghiên cứu của Rơn-ghen trên chính bàn tay của vợ ông. Rồi dần dần phát triển lên. Nào là siêu âm. Nào là cắt lớp vi tính (CT Scaner). Nào là Cộng hưởng từ (MRI) …
Ban đầu chẩn đoán hình ảnh chỉ thuần túy là cận lâm sàng, hỗ trợ cho việc chẩn đoán của bác sĩ lâm sàng. Giờ đây, nó đã “lấn sân” sang can thiệp và điều trị.
Và chính việc “lấn sân” sang mảng điều trị này đã góp phần đưa Chẩn đoán hình ảnh trở thành một chuyên ngành “hot” (hái ra tiền) mà nhiều y bác sĩ (thế hệ mới) dấn thân theo đuổi.
Vậy làm thế nào để học tốt môn chẩn đoán hỉnh ảnh ngay từ trên ghế nhà trường. Để chuẩn bị kiến thức cho việc hành nghề sau này? Dĩ nhiên, khi bạn theo chuyên ngành này, bạn sẽ cần phải học thêm các lớp đào tạo sau đại học nữa. Nhưng dù bạn là bác sĩ lâm sàng, bạn cũng cần phải biết những điều cơ bản để chủ động trong việc điều trị. Cũng như hiểu những gì bác sĩ chẩn đoán hình ảnh gợi ý – đề xuất khi bạn mời hội chẩn bệnh nhân của bạn.
Dưới đây là 3 kinh nghiệm (bí quyết) thiết yếu mà bạn cần nắm:
1. Chẩn đoán hình ảnh cũng là môn HÌNH THÁI HỌC.
Tương tự như Giải phẫu học, Chẩn đoán hình ảnh cũng là một môn hình thái học. Và điều đầu tiên bạn cần lưu tâm là phải nhận biết được tên của các cấu trúc.
Cụ thể, trên phim Xquang ngực, bạn phải biết được từ vựng/ngôn từ mà các bác sĩ chẩn đoán hỉnh ảnh đang sử dụng để mô tả cấu trúc đó là gì (như góc sườn hoành, góc tâm hoành …). Rồi biết được tên gọi của các cấu trúc trên đó (như đây là xương đòn phải, đây là xương sườn thứ IX, đây là cung động mạch chủ…)
Tương tự như vậy, trên phim CLVT (CT Scaner), Cộng hưởng từ (MRI) … bạn cũng cần nhận biết và đọc được tên cấu trúc bình thường.
Lưu ý, trên siêu âm thì có chút khác biệt.
Siêu âm là một thứ mà tôi xếp nó riêng một nhóm, khác biệt so với phần còn lại. Không phải bởi nó sử dụng sóng siêu âm. Còn những cái khác sử dụng tia X hay từ tính của nguyên tử Hydro.
Không phải vậy!
Mà bởi siêu âm có tính “linh động” hơn. (Nó hệt như lúc ta học phôi thai học vậy. Mỗi cấu trúc sẽ phát triển – biến đổi theo từng ngày, từng giờ).
Mỗi vị trí đặt đầu dò sẽ cho hình ảnh khác nhau. Chỉ cần xoay đầu dò siêu âm vài độ thôi, hình ảnh đã khác rồi.
Nên nếu chưa thực sự làm siêu âm, bạn sẽ rất khó để ngồi đọc sách, tưởng tượng và hiểu được những gì sách mô tả. Chỉ khi bạn thực sự cầm đầu dò siêu âm một thời gian, làm nó, trải nghiệm nó. Thì khi quay trở lại đọc sách, bạn mới hiều nhanh được những gì các thầy mô tả trong sách siêu âm.
Vậy nên, bạn có thể ngồi đọc sách Xquang, CLVT, MRI để trở thành siêu nhân (bác sĩ giỏi). Nhưng bạn muốn trở thành bác sĩ siêu âm giỏi, bạn phải làm thực tế trước đã, phải có trải nghiệm thực tế.
2. Thực hành và đối chứng.
Thời của chúng tôi, khi học Chẩn đoán hình ảnh năm thứ 4 là lúc chúng tôi đã đi học lâm sàng được khá nhiều thời gian rồi (Từ học kỳ hai năm thứ 3). Nên đây là thuận lợi lớn. Cụ thể, học bài lý thuyết nào trên lớp. Thì hôm sau đi học – đi trực trên lâm sàng là có ngay bệnh nhân để xem.
Dĩ nhiên, các bài học lý thuyết chẩn đoán hình ảnh chẳng tương xứng/ tương quan với những bài học trên lâm sàng (nội hay ngoại). Nhưng với sự tò mò, ham học hỏi thì khi tiếp xúc bất kỳ bệnh nhân nào. Bạn hãy xin phép được xem phim Xquang, CLVT, MRI, và kết quả siêu âm của họ.
Rồi sau đó, mở hồ sơ bệnh án ra, xem bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã đọc – mô tả tổn thương của bệnh nhân đó như thế nào.
Những lần xem đầu, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ. Có những cái nghe quen quen như sách thầy dạy. Có nhiều cái không giống – nghe trật tự, logic hơn ở trên lý thuyết.
Không sao cả, cứ ghi chép lại nếu bạn thấy hay.
Rồi một thời gian, các bạn sẽ quen với những mô tả của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Và việc ôn thi hết môn của bạn cũng cực kỳ dễ dàng.
Tóm lại, dù bạn đi học lâm sàng Nội, hay lâm sàng Ngoại. Thì bệnh nhân luôn có kết quả chẩn đoán hình ảnh (Xquang, Siêu âm, CLVT …). Hãy chủ động xin phép được xem, và ĐỐI CHỨNG với kết quả mà bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc – mô tả.
3. Quên đâu tra đó. Thiếu đâu bù đó.
Khi bạn đi học lâm sàng hay làm bác sĩ điều trị. Bạn sẽ cảm thấy bệnh nhân muôn hình vạn trạng. Không ai cấm bệnh nhân vào khoa bạn chỉ với một bệnh/ một tổn thương duy nhất.
Vậy nên, sẽ có nhiều cái bạn cần quan tâm. Bạn làm bác sĩ lồng ngực, nhưng khi bệnh nhân có kèm gãy xương đùi trái. Bạn vẫn phải biết cách đánh giá tổn thương, biết xem Xquang, CLVT ở vùng đùi. Do đó, hãy sẵn sàng học thêm những cái mới.
Bí quyết của tôi là “Quên đâu tra đó. Thiếu đâu bù đó”.
Đừng mất công dự phòng cho những điều rất hiếm xảy ra. Hãy tập trung học – làm thật tốt những mặt bệnh bạn thường gặp. Còn những bệnh hiếm gặp, khi gặp hãy mở lòng học hỏi.
Mong rằng với 3 bí quyết trên, bạn đã sẵn sàng tâm thế để học tốt môn chẩn đoán hình ảnh và cả nhiều môn khác nữa.
Tôi luôn nói với học trò của mình, kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ XXI là KỸ NĂNG HỌC MỘT KỸ NĂNG MỚI. Bởi mọi thứ giờ đây thay đổi đến chóng mặt. Bạn phải biết nhiều thứ để có thể làm tốt được công việc hiện tại của mình. Và nếu vẫn chứ tiếp cận vấn đề theo cách lâu nay, bạn sẽ tụt hậu. Chưa so sánh với mọi người mà với chính năng lực cần thiết để giải quyết công việc hiện tại của bạn.
Những học trò của tôi sau khi tốt nghiệp lớp Speed Learning (Kỹ năng học nhanh một kỹ năng mới) luôn tự tin bước đi trong cuộc sống. Họ không còn sợ hãi, lo lắng mỗi khi đối diện với kiến thức mới, lĩnh vực mới. Còn bạn! Bạn đã có kỹ năng học nhanh một kỹ năng mới chưa?

Chia sẻ bài viết này
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thực hiện phép tính (chống spam) *

0981.81.51.68
1
Bạn cần hỗ trợ?
Chát với chúng tôi